Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Thứ tư, 27/04/2022 08:04
TMO – Việt Nam ước tính có thể bán ra gần 60 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ thì mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD. Đây là cơ hội, cần hoàn thiện cơ chế để khai thác thị trường carbon trong nước.
Phát triển thị trường carbon trong nước được thể hiện rõ trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đây được coi là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam khi bước sang giai đoạn thực hiện các yêu cầu bắt buộc của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Thị trường carbon trên thế giới hiện nay tồn tại dưới ba hình thức: Thị trường carbon quốc tế trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), thị trường carbon quốc tế tự nguyện và thị trường carbon nội địa. Thực tế, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia, xây dựng và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đặc biệt là các hoạt động theo Cơ chế phát triển sạch CDM và Cơ chế tín chỉ chung JCM do Nhà nước quản lý.
Sớm hoàn thiện cơ chế thúc đẩy thị trường carbon.
Những năm qua, việc mua bán tín chỉ carbon thu được từ các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trên đã cho thấy những tín hiệu khả quan. Riêng 4 triệu tín chỉ từ các dự án CDM mang về hơn 15 nghìn tỷ đồng, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đồng thời giảm chi phí trả lãi tiền vay, có thêm động lực phát triển. Nguồn khách hàng tiềm năng chính là đối tác tại các quốc gia phát triển, đi đầu trên thị trường carbon quốc tế.
Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đối tượng tham gia chính là các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành; tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên thị trường carbon.
Hoàng Phi
Bình luận