Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 16:11
Chủ nhật, 01/01/2023 00:01
TMO - Năm 2022 khép lại với nhiều biến động và thách thức to lớn chưa từng có trong lịch sử, đem đến nhiều hệ lụy và tác động đa chiều, đa lĩnh vực ở tầm toàn cầu, đồng thời được dự báo có thể còn kéo dài trong nhiều năm tới.
Suy thoái là chủ đề được nhắc đến khá nhiều thời gian qua. Theo các chuyên gia, hầu hết các nhà kinh tế đều nhất trí rằng tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại ở hầu hết mọi nơi - xuống 2,7% vào năm 2023, từ mức 3,2% năm 2022 trên toàn cầu. Nhưng khả năng xảy ra suy thoái lại là vấn đề gây tranh cãi, ngoại trừ ở Liên minh châu Âu (EU), khu vực mà nhiều người đồng ý là có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, một cuộc suy thoái toàn cầu chủ yếu sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra ở Mỹ.
Người dân trên thế giới chào đón năm 2023. Ảnh: Reuters
Theo giới quan sát, châu Á có thể sẽ có một sự khởi đầu chậm chạp trong năm 2023. Xuất khẩu sụt giảm có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế yếu kém trong nửa đầu năm 2023 và tăng trưởng có thể chạm đáy trong quý 2. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có ý nghĩa then chốt đối với triển vọng kinh tế của châu Á và toàn cầu. Các chuyên gia nhận định Bắc Kinh sẽ mở cửa hoàn toàn vào đầu quý 3/2023 và do đó, thiết lập được sự phục hồi tiêu dùng vào nửa cuối năm. Những điều này sẽ giúp phục hồi theo chu kỳ tăng tốc vào nửa cuối năm sau, dẫn đến tăng trưởng GDP đạt 4,4% cho châu Á trong năm 2023. Với khả năng suy thoái có thể xuất hiện ở phần lớn các nước phát triển vào năm 2023, đây dường như là kết quả tốt đối với châu Á.
Thách thức lớn hơn
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lạm phát của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ đạt mức 8% trong quý IV/2022 trước khi giảm xuống 5,5% vào năm 2023 và 2024. Đối với các nền kinh tế phát triển, lạm phát vẫn ở mức trên 9% trong năm nay trước khi giảm xuống còn 6,6% năm 2023.
Một số nhà quản lý thu nhập cố định thì lo ngại về thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ trở nên kém thanh khoản trong một sự lặp lại quy mô lớn những gì đã xảy ra ở Anh hồi tháng 92022, khi người mua tránh xa vì lo ngại lãi suất tăng và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng cường thắt chặt định lượng bằng việc giải phóng trái phiếu kho bạc, thêm vào nguồn cung dư thừa.
Nếu lạm phát không được kiểm soát, những vấn đề này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, chống lạm phát phải là ưu tiên chính sách hàng đầu của các nền kinh tế thế giới. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã và đang tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và neo giữ kỳ vọng lạm phát trong nền kinh tế tương ứng của họ.
Kinh tế thế giới năm 2023 sẽ gặp khó khăn, thế nhưng đà suy yếu có thể không đủ để liệt vào suy thoái khi xét theo tiêu chí hẹp là 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp. Các chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ mức 6,1% của năm 2021 xuống còn 2,2-2,7% trong năm 2023, nhưng dù như vậy kinh tế thế giới cũng thoát khỏi sự suy giảm liên tiếp theo quý. Thậm chí, nếu định nghĩa suy thoái toàn cầu mang đến những tiêu chí mở hơn, ví dụ như tốc độ tăng trưởng GDP dưới mức 2,5%, thì cũng rất khó để chúng ta đưa ra kết luận chắc chắn về suy thoái toàn cầu trong năm 2023.
Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trong bối cảnh mới của thế giới
Là bộ phận cấu thành của thế giới đương đại, Việt Nam không thể không chịu ảnh hưởng từ những gì diễn ra trên toàn cầu. Những biến động phức tạp và đa chiều của tình hình thế giới, khu vực năm 2022 đã và đang tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của nước ta, đặt ra những thách thức, cơ hội đan xen.
Tối ngày 31/12, hàng chục nghìn người có mặt tại khu vực hồ Gươm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để cùng chào đón năm mới 2023.
Tuy nhiên, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, một lần nữa ý chí kiên cường, truyền thống đoàn kết đã đưa Việt Nam trở thành một “điểm sáng” trong những nỗ lực phục hồi kinh tế. Những kết quả trong năm 2022 càng tô đậm thêm những thành tựu mà nước ta đã đạt được trong quá trình hội nhập quốc tế. Trên cơ sở kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, đến nay, Việt Nam đã mở rộng quan hệ bang giao với 189/193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước, đối tác toàn diện với 13 nước... Trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch và xu thế đơn phương gia tăng, nước ta tiếp tục kiên trì và đạt nhiều kết quả quan trọng .
Một “điểm sáng” nổi bật khác trong năm 2022 không thể không đề cập đến đó là Việt Nam đã để lại dấu ấn đặc biệt quan trọng trong đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động, tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương.
Những thành tựu nổi bật trong năm 2022 càng thể hiện rõ “sức mạnh mềm” đặc sắc của nhân dân ta, cũng như càng làm sáng tỏ tính ưu việt của chế độ chính trị - xã hội của đất nước, càng nâng cao thêm niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, càng làm rạng rỡ thêm cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam khi bước vào chặng đường mới nhằm tiến tới mục tiêu đưa đất nước bước vào hàng các quốc gia phát triển trên thế giới.
Phan Hoài - Quốc Dũng
Bình luận