Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 20:11
Thứ bảy, 06/08/2022 12:08
TMO – Với nhiều lợi thế và hội đủ các loại hình vận tải đường sông, đường biển, đường bộ và hàng không. Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng lợi thế này để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vẫn đang là vấn đề cần lời giải.
Theo thống kê, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có trên 1400 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kho vận (logistics), chiếm khoảng trên 4% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước. Những doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, chưa đủ năng lực cung cấp dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu quy mô lớn.
Năm 2021, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 31,37% GDP ngành nông nghiệp cả nước. Trong đó, sản lượng lúa chiếm tới 50%, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm tới 65% và sản lượng trái cây chiếm tới 70%; đồng thời Đồng bằng sông Cửu Long cũng đóng góp tới 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Với những lợi thế đó, Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước… Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long lại là khu vực có chi phí logistics hàng nông, thủy sản cao nhất, chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. Hạn chế lớn nhất đối với phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long chính là hệ thống logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu thu mua nguyên vật liệu đầu vào, quá trình sản xuất đến khâu phân phối, tiêu thụ ra thị trường. Chi phí logistics quá cao trở thành gánh nặng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất ra tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cao năng lực dịch vụ kho vận là những yếu tốt chen chốt giúp khu vực Đồng bằng sông cửu long phát triển.
Để khắc phục những hạn chế trên, những năm gần đây, hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ đặc biệt quan tâm, trong đó có phát triển hệ thống logistics. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có hai trung tâm logistics hạng 2 (cấp vùng) đi vào hoạt động, ngoài ra còn rất nhiều cơ chế chính sách ưu tiên khác.
Theo các chuyên gia, các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung phát triển đồng bộ các phương thức vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản bằng đường thủy nội địa và đường biển; phát triển chuỗi cung ứng nông sản hiện đại, các mô hình chợ đầu mối, chuỗi cung ứng lạnh, chuỗi cung ứng số, thương mại điện tử xuyên biên giới… Bên cạnh đó, các khu công nghiệp cần thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư, chế biến nông sản, các kho - dây chuyền bảo quản, sơ chế, làm mát trước khi đóng hàng vào container để sẵn sàng xuất khẩu.
Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển dịch vụ logistics kết nối vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, với chiều dài bờ biển trên 700km đi và đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có một tiềm năng to lớn. Đầu tư phát triển tốt cho logistics cũng góp phần giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục được tình trạng thất thoát sau thu hoạch lên đến 20% của nhiều loại nông sản. Vậy nên, việc phát triển dịch vụ logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long thật sự là hướng chiến lược mới để phát triển dịch vụ chủ lực của cả vùng này. Nếu phát triển đồng bộ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một trong những khu vực phát triển mạnh mẽ, phát huy được tất cả lợi thế của vùng.
Minh Phụng
Bình luận