Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 15:01
Thứ năm, 04/04/2024 14:04
TMO - Kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX), là một mắt xích quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, thời gian qua tỉnh Cà Mau đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh linh hoạt, hiệu quả.
Thông tin từ Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập mới 29 tổ hợp tác (nâng tổng số hiện có 990 tổ hợp tác) và 35 hợp tác xã (nâng tổng số lên 288 hợp tác xã). Doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã ước đạt 1 tỷ đồng/năm, trong đó lãi bình quân ước đạt 300 triệu đồng. Từ hoạt động của các hợp tác xã đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 4.760 lao động. Cùng với đó đã thành lập 2 liên hiệp hợp tác xã và 13 mô hình hội quán...
Bên cạnh đó, sản phẩm của các HTX ngày càng đa dạng, phong phú, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Từ đó, góp phần tích cực trong việc tạo việc làm, sinh kế, cải thiện thu nhập cho người dân, qua đó xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ và nhiều chính sách ưu đãi khác đối với các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 về quy định mức chi hỗ trợ đào tạo đối với thành viên, người lao động kinh tế tập thể và hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn đến năm 2025 và đạt nhiều kết quả tích cực.
Phát triển KTTT mà trọng tâm là các HTX thúc đẩy kinh tế nông thôn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có nên còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa thật sự khởi sắc. Tính đến năm 2024, Cà Mau có 1.237 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trên các lĩnh vực; trong đó, có 936 tổ hợp tác, 299 hợp tác xã và 2 liên hiệp hợp tác xã. Tuy nhiên, số lượng hợp tác xã không hoạt động chiếm hơn 20%.
Tuy nhiên, cũng chỉ vài hợp tác xã bắt đầu hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, còn lại đa số chưa như kỳ vọng. Bản thân các hợp tác xã chưa tận dụng chính sách ưu đãi do vẫn còn yếu kém cả về cơ sở vật chất và năng lực quản lý. Hoạt động của hợp tác xã thiếu gắn bó với nhau, với cộng đồng doanh nghiệp; chưa có sự liên kết hệ thống chặt chẽ cả về kinh tế-xã hội và tổ chức. Mặc dù, số lượng hợp tác xã của Cà Mau đứng thứ 3 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng lại xếp cuối cùng về số thành viên trung bình của mỗi hợp tác xã. Hiện mới chỉ có khoảng 37% hợp tác xã có trụ sở làm việc, thấp nhất trong khu vực. Hầu hết hợp tác xã được khảo sát đều chưa có tiêu chí rõ ràng để tự đánh giá, xếp loại…
Trước thực tế trên, nhằm khắc phục những hạn chế, phát huy những kết quả đã đạt được Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Cà Mau giai đoạn 2024 – 2030 đặt mục tiêu xây dựng thí điểm 18 mô hình hợp tác xã điểm (mỗi huyện 2 mô hình) và 02 liên hiệp hợp tác xã điểm; 54 mô hình hợp tác xã vệ tinh của các mô hình hợp tác xã điểm (mỗi hợp tác xã điểm có 03 hợp tác xã vệ tinh). Đồng thời hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật.
Bên cạnh đó, triển khai dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh năm 2024, với 10 mục tiêu cụ thể như: Hoàn thành 50% tiến độ xây dựng thí điểm 02 mô hình hợp tác xã điểm và 6 mô hình hợp tác xã vệ tinh của các mô hình hợp tác xã điểm (mỗi hợp tác xã điểm có 3 hợp tác xã vệ tinh) trên địa bàn 9 huyện, thành phố Cà Mau; tăng số lượng bình quân thành viên/hợp tác xã toàn tỉnh từ 15 thành viên/hợp tác xã năm 2023 đạt 22 thành viên/HTX năm 2024;…
Hoạt động tại các HTX cần được đẩy mạnh liên kết, đầu tư về cơ sở hạ tầng và năng lực quản lý. (Ảnh minh họa).
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, thời gian tới Cà Mau cần đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là cơ sở; phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng và triển khai thường xuyên. Đồng thời, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội phải phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, để khu vực kinh tế này không chỉ lớn mạnh về số lượng mà quan trọng nhất là chất lượng.
UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các huyện thành phố dựa vào đặc thù, thế mạnh của mình chọn mỗi huyện, thành phố từ 2 - 3 mô hình hợp tác có hiệu quả, nhiều dịch vụ và phải hình thành được chuỗi sản xuất, để hỗ trợ cho các thành viên hợp tác xã. Trong xây dựng mô hình phải bám chặt các quy định và giữ nguyên bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể theo định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa…
Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo, các HTX cần tiếp tục đổi mới hoạt động, mở rộng quy mô sản xuất; đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực cho quá trình xây dựng NTM gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Tích cực triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), phát triển thêm sản phẩm OCOP; chú trọng đầu tư xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh.
Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Phát huy vai trò phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh HTX trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển KTTT. Các sở, ban, ngành khác nghiên cứu, đề xuất thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế, dạy nghề, đào tạo cán bộ quản lý HTX, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, thương mại, khuyến nông, khuyến công và chuyển đổi số.
Liên minh HTX tỉnh thường xuyên khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các HTX để tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của HTX, báo cáo UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ cho các HTX phát triển ổn định. Phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố củng cố các HTX yếu kém, giải thể các HTX đã ngưng hoạt động. Tổ chức học tập các mô hình hay, hoạt động có hiệu quả, các kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về KTTT ở các tỉnh bạn, nghiên cứu, đề xuất áp dụng vào điều kiện thực tế của tỉnh, giúp KTTT tỉnh có bước phát triển đột phá hơn trong thời gian tới.
Mạnh Cường
Bình luận