Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 19:11
Thứ ba, 23/01/2024 20:01
TMO – Đối với lĩnh vực môi trường, các dự án chủ yếu tập trung vào xử lý nước thải, bao gồm nhà máy Tây Thành phố, Tân Hóa - Lò Gốm; Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 2) và Bắc Sài Gòn 2 với tổng vốn khoảng 30.000 tỷ đồng.
Theo đó, UBND TP. HCM vừa ban hành danh mục 28 dự án để mời gọi đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh với tổng số vốn gần 160.000 tỷ đồng. Các dự án có giá trị vốn đầu tư lớn nhất thuộc về các dự án hạ tầng. Trong đó, dự án đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài với quy mô vốn đầu tư hơn 19.800 tỷ đồng; dự án đường trên cao tuyến số 5 (đi trùng với đường Vành đai 2 từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương) với 15.400 tỷ đồng; dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 với 13.850 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ nhằm thay thế phà Bình Khánh với số vốn 10.569 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực công nghệ cao, có 6 dự án liên quan. Trong đó, có 5 dự án thuộc nhóm nghiên cứu và triển khai lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học với tổng giá trị vốn kêu gọi đầu tư là gần 4.400 tỷ đồng. Riêng dự án trung tâm dữ liệu (Data Center) có vốn đầu tư 6.950 tỷ đồng.
Về đô thị, có 5 dự án liên quan đến chỉnh trang đô thị và tái định cư với số vốn mời gọi 1.440 tỷ đồng. TP. Thủ Đức cũng lên kế hoạch xây dựng Khu trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng (12.071 tỷ đồng); Khu phức hợp trung tâm Hội nghị triển lãm, khách sạn và thương mại dịch vụ (1659 tỷ đồng); Quảng trường trung tâm (5.348 tỷ đồng). Riêng với lĩnh vực môi trường, các dự án chủ yếu tập trung vào xử lý nước thải với tổng vốn khoảng 30.000 tỷ đồng, bao gồm nhà máy Tây Thành phố, Tân Hóa - Lò Gốm; Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 2); Bắc Sài Gòn 2.
(Ảnh minh họa)
Trước đó, ngày 15/9/2023, tham dự và phát biểu tại diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh (HEF) năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng về 0”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tăng trưởng xanh được hiểu như một mô hình phát triển nhằm đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bền vững về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên, cân đối mục tiêu giảm phát khí thải nhà kính phù hợp với quy mô của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Việt Nam ủng hộ và luôn đồng hành cùng Liên hợp quốc trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với mục tiêu giảm phát thải, xanh hóa các lĩnh vực kinh tế và phát triển có tính bao trùm; đề án phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đã được phê duyệt. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, TP. HCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước. Tuy nhiên, TP. HCM cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất (57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước). Về cơ bản, nền kinh tế của TP. HCM chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn.
ÚT MY
Bình luận