Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 14/12/2024 15:12
Thứ sáu, 13/12/2024 06:12
TMO - Huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên là địa phương có nguồn tài nguyên rừng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm là thời gian luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Để bảo tồn và phát triển rừng, huyện Võ Nhai đã tăng cường, triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng trong cao điểm khô hanh.
Trước tình hình thời tiết hanh khô kéo dài, nhân dân trong địa bàn tỉnh Thái Nguyên thường xuyên vào rừng để chăm sóc các loại cây dưới tán rừng và phát, đốt nương để sản xuất nông nghiệp, dẫn đến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Do đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các công văn, kế hoạch về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy, cháy rừng (PCCCR).
Đồng thời chỉ đạo các địa phương trong tỉnh Tuyên truyền tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công việc bảo vệ và PCCCR, nhắm tới chế độ thấp nhất các dịch vụ cháy rừng có thể xảy ra.
Trong số các địa phương, Võ Nhai là huyện tích cực triển khai các biện pháp PCCR mùa hanh khô. Huyện hiện có 58.000ha đất rừng, trong đó có 38.000ha rừng tự nhiên và 20.000ha rừng trồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 70%. Mùa hanh khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao.
Do đó, ngành chức năng và các xã, thị trấn trong huyện luôn chủ động triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó "4 tại chỗ" là giải pháp hàng đầu. Trên tinh thần tuân thủ nguyên tắc phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời, khẩn trương, triệt để, không để cháy trên diện rộng, thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn huyện Võ Nhai có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở và các ngành chức năng.
Trong đó, phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) được ngành chức năng và các xã, thị trấn chủ động triển khai. Xã Dân Tiến (huyện Võ Nhai) hiện có diện tích rừng sản xuất lớn nhất huyện Võ Nhai, với khoảng 3.000ha. Do đời sống kinh tế của trên 60% số hộ phụ thuộc vào rừng nên chính quyền và người dân trong xã đặc biệt quan tâm PCCCR, nhất là trong mùa hanh khô. Xã luôn chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết phục vụ công tác chữa cháy rừng (như ủng, giày, loa cầm tay, bàn dập lửa, đèn pin...).
Cùng với đó là thành lập lực lượng chữa cháy rừng của xã và các xóm. Lãnh đạo UBND xã Dân Tiến, cho biết, hàng năm, xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền về công tác PCCCR bằng nhiều hình thức, với đa dạng loại hình tới người dân và các chủ rừng. Vào mùa hanh khô, ban quản lý, bảo vệ rừng chỉ đạo các tổ bảo vệ rừng phối hợp với đơn vị chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, tổ chức phát dọn đường băng cản lửa ở những điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng; đồng thời chuẩn bị tốt về phương tiện, lực lượng để sẵn sàng chữa cháy. Các xã, thị trấn khác trong huyện cũng đều tích cực thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCCR.
Lực lượng chức năng huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) diễn tập sử dụng thiết bị dập lửa khi có cháy rừng. (Ảnh minh hoạ: NT).
Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm Võ Nhai đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR; chủ động rà soát, kiện toàn các tổ, đội PCCCR; chuẩn bị sẵn sàng các loại dụng cụ, phương tiện để ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy rừng. Hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã trang bị gần 300 phương tiện, thiết bị PCCCR (như máy bơm nước chữa cháy, máy thổi gió, cưa xăng, máy cắt cỏ…).
Các loại máy móc, thiết bị thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng để bảo đảm hoạt động tốt. Ngoài ra, do trên địa bàn huyện có nhiều cánh rừng đặc dụng, nằm trên các dãy núi đá vôi, giao thông rất khó khăn nên Hạt Kiểm lâm Võ Nhai đã sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật số hiện đại (như thiết bị bay flycam, máy định vị GPS…) phục vụ công tác quan sát, phát hiện kịp thời những vị trí có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Đặc biệt, để phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, hàng năm, Hạt Kiểm lâm huyện đều phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng của huyện và các xã, thị trấn tổ chức diễn tập chữa cháy rừng.
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện cho biết, diễn tập nhằm bồi dưỡng thêm những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc chữa cháy rừng cho lực lượng Kiểm lâm; nâng cao năng lực phối hợp chỉ huy, điều hành chữa cháy giữa lực lượng chức năng, chủ rừng và người dân; cách sử dụng các phương tiện, thiết bị PCCCR hiệu quả nhất; bổ sung, hoàn thiện phương án PCCCR ở các cấp theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với từng địa phương…
Được biết, tỉnh Thái Nguyên có nhiều khả năng để phát triển nông lâm, công nghiệp, du lịch và các loại hình dịch vụ khác. Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh là 102.190 ha, diện tích rừng trồng khoảng 44.450 ha. Đây là một lợi thế to lớn cho việc phát triển rừng nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ nhân tạo, chế biến làm nguyên liệu giấy.
Do đó việc bảo vệ, phát triển rừng là rất quan trọng. Đến nay, bên cạnh việc tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống do cháy rừng gây ra, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên nói chung trong thời gian tới sẽ tiếp tục làm tốt công tác hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, các chủ rừng thực hiện nghiêm công tác PCCCR, quản lý chặt chẽ các nguyên nhân cháy rừng; tổ chức huấn luyện, tập huấn cho lực lượng tham gia chữa cháy rừng; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để làm tốt dự tính, dự báo cấp cháy rừng; duy trì chế độ tuần tra canh gác lửa rừng... và qua đó, hạn chế thấp nhất xảy ra cháy rừng trong mùa hanh khô đợt cuối năm 2024 đầu năm 2025.
Vũ Tuấn
Bình luận