Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 15:11
Thứ tư, 18/05/2022 15:05
TMO- Thời gian gần đây, hệ thống trang trại chăn nuôi nằm ngay sát khu dân cư thuộc thôn 6, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất, Hà Nội) ngang nhiên để cống xả thải trực tiếp ra hồ Đá Dựng mà không thông qua bất kỳ hệ thống xử lý chất thải nguy hại nào, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân khu vực.
Tòa soạn Thiên nhiên & Môi trường đang thực hiện Chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước, hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải đối với các trang trại gia súc, gia cầm trên địa Hà Nội” nhằm tìm hiểu, ghi nhận thực tế để thực hiện tốt vai trò thông tin, tuyên truyền về những điểm tích cực nổi bật, hạn chế bất cập cần được giải quyết…
Trong quá trình tìm hiểu, người dân tại thôn 6, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất, Hà Nội) phản ánh, từ lâu, hệ thống trang trại chăn nuôi nơi đây đã “vô tư” xả chất thải ra môi trường; tự ý để cống xả thải trực tiếp ra hồ Đá Dựng mà không thông qua bất kì một quy trình xử lý nước thải nguy hại, gây ảnh hưởng. Việc xả thải khiến môi trường sinh thái của hồ bị tác động, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của các hộ gia đình nơi đây.
Hệ thống trang trại xả thải trực tiếp ra môi trường nằm gần với nơi người dân ở và khu vực hồ Đá Dựng
Theo ghi nhận thực tế, trang trại chăn nuôi quy mô lớn có vị trí gần với khu vực dân cư, nằm ngay cạnh hồ Đá Dựng – nơi cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cây trồng, nuôi trồng thủy sản của các hộ gia đình xung quanh hồ. Trang trại được xây dựng theo mô hình hoạt động chăn nuôi công nghiệp khi bố trí 2 chuồng trại với kết cấu tường bi, bắn mái tôn sắt kiên cố, hệ thống quạt gió làm mát cùng nhiều quy mô chuồng nhỏ, hạng mục khác.
Tuy nhiên, nước thải từ trang trại lại không được xử lý theo một quy trình bảo vệ môi trường tiêu chuẩn, toàn bộ nước thải từ hoạt động chăn nuôi xả thải trực tiếp vào ao nằm trong phần đất của trang trại. Khi nước thải trong ao bị đầy thì sẽ tràn ra hồ Đá Dựng theo đường cống xả qua bức tường bao quanh trang trại đã được để chờ từ trước.
Các hộ dân sống tại khu vực này cho biết: Nhận thấy mùi hôi thối nồng nặc, cá ở hồ Đá Dựng có hiện tượng bị chết, thì phát hiện ra cống xả thải của trang trại chăn nuôi đang xả trực tiếp ra hồ. Điều này đã khiến nguồn nước của hồ bị biến đổi, nguồn nước giếng khoan cũng bị ảnh hưởng nên phải khoan sâu hơn vì sự thẩm thấu của nước thải xuống đất; ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường sống của các hộ gia đình...
Trang trại có quy mô lớn được đầu tư xây dựng theo hình thức công nghiệp để cống xả thải trực tiếp ra hồ Đá Dựng
Trao đổi với PV về tình trạng trên, đại diện UBND xã Tiến Xuân, ông Đỗ Văn Bốn - Cán bộ Văn phòng cho biết, đây là hệ thống chuồng trại của hộ gia đình ông Đinh Văn Hiệu, vì là hộ gia đình chăn nuôi nên chưa có giấy phép chăn nuôi, đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào hoạt động. Nhận được thông tin phản ánh từ người dân về tình trạng xuất hiện mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường nước hồ Đá Dựng phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, xã đã tiến hành kiểm tra.
Qua quá trình kiểm tra, UBND xã phát hiện tại khu vực chăn nuôi của ông Hiệu có 2 chuồng trại, trong đó 1 chuồng trại ghi nhận chưa hoạt động chăn nuôi, 1 chuồng trại đang nuôi khoảng 800 con vịt, chưa nắm được trước đây có nuôi lợn hay không.
Tại thời điểm kiểm tra, gia đình ông Hiệu đang thực hiện hoạt động xay cá làm thức ăn chăn nuôi, khu vực chăn nuôi có mùi hôi thối nồng nặc, toàn bộ nước thải từ hoạt động chăn nuôi được xả trực tiếp vào hồ phía sau của gia đình, nước hồ có màu đen và rò rỉ theo cống chảy ra hồ Đá Dựng.
“Đối với vai trò quản lý nhà nước, nhận được thông tin phản ánh, UBND xã đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản. Tuy nhiên, xã không có đủ trạng thiết bị và chuyên môn để đánh giá mức độ ô nhiễm từ việc chăn nuôi của hộ gia đình ông Hiệu nên xã sẽ có công văn gửi UBND huyện Thạch Thất và các đơn vị có liên quan đề nghị phối hợp kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại khu vực chăn nuôi này”, ông Bốn thông tin.
Việc xả thải ra môi trường đã tác động tới môi trường không khí, đất và nước; ảnh hướng tới cuộc sống người dân gần khu vực
Hiện nay, nhu cầu chuyên canh hóa hình thức sản xuất cây trồng và vật nuôi; hình thức mở trang trại quy mô lớn để chăn nuôi gia súc, gia cầm đang được nhiều nông dân quan tâm, tạo điều kiện chuyên môn hóa sản xuất, mang về lợi nhuận kinh tế cao.
Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, người nông dân phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi. Tại Luật Chăn nuôi 2018 và các văn bản liên quan, giấy phép chăn nuôi là loại giấy phép bắt buộc, xác nhận rằng trang trại chăn nuôi đã đáp ứng được những yêu cầu, điều kiện được quy định.
Theo tìm hiểu của PV, Quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm được quy định cụ thể: Chăn nuôi trang trại quy mô lớn từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên; Chăn nuôi trang trại quy mô vừa từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi; Chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi; Chăn nuôi nông hộ dưới 10 đơn vị vật nuôi.
Tại Điều 56 Luật Chăn nuôi 2018 yêu cầu hộ gia đình chăn nuôi phải đáp ứng được chuồng nuôi tách biệt với nơi ở của người; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch và thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi, chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Đối với hình thức chăn nuôi trang trại, việc đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào hoạt động cũng là điều kiện cần thiết. Căn cứ theo quy định tại phụ lục II ban hành kèm Nghị định 18/2015/NĐ-CP nhóm các dự án chăn nuôi phải đánh giá tác động môi trường chỉ rõ: Đối với những dự án chăn nuôi có quy mô chuồng trại từ 1000 m2 trở lên đối với gia súc, gia cầm thì phải đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án đi vào hoạt động.
Yêu cầu đặt ra trong phát triển kinh tế là phải gắn với hoạt động bảo vệ môi trường, phù hợp với quan điểm “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” đã được thể hiện tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Từ thực trạng trên, UBND huyện Thạch Thất nói chung và UBND xã Tiến Xuân nói riêng cần tìm hiểu những lợi thế, khó khăn, bất cập trong hoạt động chăn nuôi mô hình trang trại, điển hình là trường hợp của hộ gia đình ông Hiệu nói trên để đưa ra biện pháp phát triển kinh tế bền vững.
Vũ Cừ - Tú Lê
Bình luận