Hotline: 0941068156
Thứ ba, 05/11/2024 13:11
Thứ ba, 29/10/2024 14:10
TMO - Thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, tính đến 5 giờ ngày 29/10, toàn tỉnh đã có hơn 32.700 nhà dân bị ngập lụt, 58 thôn, bản bị chia cắt; các tuyến đường giao thông bị ngập tại 76 điểm, sạt lở 13 điểm, 3 tàu cá bị chìm, sạt lở 1,5km kè biển…
Mưa lũ tại Quảng Bình đã làm cho 1 người chết và 3 người mất tích; hơn 230ha hoa màu, 4.000 con gia cầm, gần 400ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Tính đến 5 giờ ngày 29/10, toàn tỉnh Quảng Bình đã có hơn 32.700 nhà dân bị ngập lụt. (Ảnh: MH).
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Quảng Bình đã di dời 1.249 hộ dân với 3.681 nhân khẩu. Trong đó, huyện Lệ Thủy di dời 99 hộ với 373 nhân khẩu; huyện Bố Trạch di dời 13 hộ, 53 nhân khẩu; huyện Quảng Ninh di dời 1.105 hộ, 3.125 nhân khẩu; huyện Tuyên Hóa di dời 2 hộ, 9 nhân khẩu; TP. Đồng Hới di dời 30 hộ, 121 nhân khẩu. Ngoài ra, các địa phương cũng sơ tán tại chỗ 9.123 hộ, trong đó, huyện Lệ Thủy 8.018 hộ, huyện Quảng Ninh 1.105 hộ…
Sáng 29/10, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó và khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ.
Khẩn trương hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân bị ngập lụt. (Ảnh: MH).
Tham dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Theo đó, để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc các công điện của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của tỉnh; kịp thời huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ, ứng cứu người dân tại các vùng bị cô lập, chia cắt, không tiếp cận được; tổ chức di dời, sơ tán người dân tại các khu vực ngập lụt, khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, sạt lở bờ sông, khu vực hạ du các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn.
Gấp rút tiếp cận, di dời bà con nơi vùng ngập lụt đến nơi an toàn. (Ảnh: L.C).
Cũng trong sáng 29/10, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã thành lập các đoàn trực tiếp đưa lương thực, thực phẩm đến các điểm ngập lụt để tiếp tế cho người dân.
Trao đổi với phóng viên, phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, ông Lê Ngọc Huân cho biết, đến ngày 29/10, nhiều nơi trên địa bàn huyện vẫn đang ngập sâu do nước rút chậm. Với phương châm “4 tại chỗ”, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các xã, thị trấn đã tập trung hỗ trợ, ứng cứu và cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân tại các điểm ngập lụt.
Hiện, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã thành lập các đoàn trực tiếp về các khu dân cư ngập sâu, các thôn, bản bị chia cắt để tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân; tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tế lương thực cho người dân với mục tiêu “không để bất cứ người dân nào bị đói do ngập lụt”.
Mỹ Hà
Bình luận