Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 06:11
Thứ ba, 01/02/2022 20:02
TMO - Cứ vào dịp Tết, chợ nổi lại đông đúc, nhộn nhịp hẳn lên với lung linh sắc Tết, tạo nên nét đặc trưng cho văn hóa chợ của miền sông nước.
Với hơn 54.000 km chiều dài của sông rạch, miền Tây Nam Bộ chứa đựng một nền văn minh văn hóa sông nước đặc trưng không nơi nào ở Việt Nam có được, đặc biệt là những khu chợ nổi trên sông, đã gắn liền với đời sống nhân dân hàng mấy trăm năm nay từ thời khẩn hoang lập đất.
Ở miền Tây, chợ nổi bao đời nay là nơi sinh hoạt, mua bán trao đổi hàng hóa của những người dân bến nước và trở thành một địa điểm du lịch văn hóa đặc biệt mà thật thiếu sót lớn nếu ai về miền Tây lại không tham quan chợ nổi trên sông.
Độc đáo phiên chợ trên sông
Đồng bằng Sông Cửu Long chi chít sông ngòi kênh rạch, vùng đất được mệnh danh "chín con rồng" này có con nước lớn tràn bờ, nước ròng phơi bãi; có ghe thuyền sinh hoạt ngày đêm xuôi ngược trên sông... hình ảnh đó tự ngàn xưa, hôm nay vẫn vậy. Người ta nói rằng, sông nước là đặc thù của vùng đất miền Tây, có sông ngòi, kênh rạch, có phương tiện vận tải thủy, có người sinh hoạt mua bán trao đổi hàng hóa, tựu trung lại tất cả cảnh mua bán trên sông, gọi là chợ nổi.
Chợ nổi chỉ xuất hiện ở những điểm giao thông đường thuỷ thuận lợi, đông dân cư. Mặt sông làm nơi mua bán giao thương hàng hoá không quá rộng mà cũng không quá hẹp, đáy sông không cạn quá mà cũng không sâu quá để các phương tiện neo đậu ghe, xuồng một cách dễ dàng. Việc mua bán diễn ra trên các ghe xuồng của người bán lẫn người mua.
Chợ nổi nhóm họp cả ngày, nhưng đông nhất là vào buổi sáng, khi trời còn mát sương giăng bảng lảng mặt sông và nắng hãy còn dìu dịu. Đi chợ nổi phải đi thật sớm. Bởi khi mặt trời lên cao, bắt đầu nắng gắt, là chợ vãn khách rồi. Còn gì thư thái và thoải mái hơn khi giữa tinh sương ngày mới được dập dềnh trên chiếc xuồng ba lá len lỏi giữa chợ họp trên sông đông vui, tấp nập, căng lồng ngực hít hà cái không khí trong lành của gió mang hương cây trái và sông nước miền Tây.
Nét riêng biệt và nổi bật của chợ nổi là hình thức "bẹo hàng", tức là quảng bá hàng hóa tại chỗ. Trước mỗi mũi ghe, người ta thường cắm hoặc gác ngang một cây sào dài, bên trên treo lủng lẳng những hàng hóa mà chủ nhân muốn bán. Khách phải nhìn cây "bẹo" mà tìm các loại hàng hóa cần mua. Hiện nay, ở chợ nổi có những hình thức "bẹo hàng" hiện đại hơn, như những bảng hiệu, hộp đèn, áp phích, băng rôn của các ghe hàng, các cửa hàng nổi trên sông.
Người buôn bán trên chợ nổi nhóm họp bằng xuồng. Ngày xưa là xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản. Bây giờ có cả tắc ráng, ghe máy. Những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa cơ man nào là ghe thuyền mà vẫn rất hiếm khi có một vụ va quệt nào xảy ra.
Trên thuyền chất đầy hàng hóa, nhiều nhất là trái cây, mùa nào thức nấy: chôm chôm, xoài, quýt, bưởi, dưa hấu… hoặc sản vật của vùng sông nước kênh rạch như: cá, cua, tôm, bông súng, rau tươi… Người mua kẻ bán thường trao đổi giá cả rất nhanh, không có cảnh cò kè bớt một thêm hai, bởi họ thường là hiểu nhau, rành rẽ về chất lượng và giá cả. Đa phần người bán là nông dân, họ bán sản vật do mình làm ra, thật thà, không nói thách, có chút tiền đủ mua vật tư nông nghiệp và vài món đồ cần dùng là được. Khách chèo xuồng tự tìm đến mua, bán trao đổi, thuận mua, vừa bán và cách ứng xử rất chan hòa, không có cảnh giành giật hàng hóa. Điều đó đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan.
Ngoài ra, những chiếc ghe nhỏ với đủ loại dịch vụ ăn uống, cắt tóc, may vá… đáp ứng mọi nhu cầu đời sống cứ len lỏi giữa đám thuyền buôn càng làm cho chợ nổi thêm sinh động và đậm đà bản sắc địa phương. Thật thú vị khi ngồi thảnh thơi trên chiếc xuồng con tròng trành vừa thưởng thức các món ăn thơm ngon đậm đà, vừa thỏa sức ngắm nhìn những chiếc thuyền chở đầy cây trái đang lướt qua trước mắt… Đã đi chợ nổi đâu dễ quên tiếng ồn ào đặc trưng của chợ nổi - tiếng tành tạch của ghe xuồng đang rẽ sóng, tiếng mặc cả, tiếng mời chào, í ới gọi nhau hối hả tạo nên một bầu âm thanh sống động…
Rộn ràng chợ nổi ngày Tết
Ngày Tết, chợ nổi tấp nập ghe xuồng lên xuống hàng, để phục vụ cho dịp Tết. Ngày Tết, giá hàng hóa trên chợ nổi cao hơn ngày thường một chút, nhất là các loại rau, củ, quả và hoa để trưng bày trong gia đình. Tuy nhiên, so với chợ trên đất liền, hàng trên chợ nổi vẫn có giá rẻ hơn.
Mỗi ngày, chợ đón hàng ngàn lượt tàu bè từ khắp nơi đến mua bán đủ những hàng hóa thiết yếu trong ngày Tết như: bánh mứt, hoa quả, vải vóc, quần áo… Cả quãng sông dài vài km tấp nập ghe thuyền, người mua kẻ bán đông đúc, tắc cả một đoạn sông.
Cây bẹo cắm trên đầu ghe là dấu hiệu giúp người đi chợ nổi đất phương Nam nhận biết ghe đó bán hàng gì. Nhưng với những ghe hoa của miền chợ nổi thì không cần phải thế. Chính màu sắc rực rỡ của hoa với mai vàng, cúc trắng, vạn thọ... mang sắc Xuân rất đặc trưng của sông nước miền Tây đã đủ sức thu hút người đi chợ. Từ đầu tháng Chạp, các lái hoa đã chọn bến để họp chợ. Những ghe hoa khác đến nhóm dần rồi hình thành chợ hoa sáng rực một khúc sông.
Điều đặc biệt của khu chợ nổi độc đáo này là thời gian nghỉ Tết rất ngắn. Khoảng Mùng Hai Tết, chợ nổi đã “chiều khách” trở lại vì nhu cầu mua hàng đã có. Đó là những chàng trai, cô gái, khách nước ngoài du Xuân bằng đường sông rất cần đồ ăn thức uống sẵn có như bún, cháo, cà phê và những món quà đặc trưng của chợ nổi...
Chợ nổi miền Tây thu hút khá đông du khách đến tham quan, theo thống kê, chỉ tính riêng tại chợ nổi Cái Răng đã có khoảng 300 - 500 khách mỗi ngày và tăng gần gấp đôi vào những ngày Tết nhờ ở gần trung tâm thành phố. Những ngày Tết, không khí Xuân ấm áp trên chợ nổi càng thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của du khách về chợ nổi trên sông.
Dù xưa hay nay, chợ nổi miền Tây vẫn vậy, vẫn mang dáng dấp của một nét kinh doanh “đặc” sông nước Nam bộ, vừa thân mật gần gũi, vừa giản đơn, vừa văn hoá, tạo nguồn cảm hứng phong phú dạt dào để các văn nghệ sỹ cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật về chợ nổi miền Tây.
Thực hiện: Khánh Vân - Phan Giang
Phụ trách chuyên đề Tết: Gia Kiệt
Bình luận