Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 05/04/2025 07:04
Thứ sáu, 04/04/2025 13:04
TMO - Nắng nóng kéo dài, nguồn nước tại nhiều hồ chứa thủy lợi giảm nhanh khiến hạn hán xảy ra cục bộ, gây thiệt hại cho nhiều diện tích lúa ở một số địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên.
Theo Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) trong tháng 3, các tỉnh Gia Lai và một số nơi của tỉnh Đắk Lắk phổ biến mưa nhỏ, lượng mưa từ 2 đến 10mm, thấp hơn từ 70 đến 100% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm dung tích toàn bộ các hồ chứa thủy lợi hiện đạt từ 39 đến 77% dung tích thiết kế, thấp hơn 3% so với trung bình nhiều năm. Ngoài ra, các hồ thủy điện ở Tây Nguyên trong tháng 3 giảm khoảng 429 triệu m3. Trong đó, lưu vực sông Sê San các hồ giảm khoảng 317 triệu m3. Lưu vực sông Srêpốk các hồ giảm khoảng 96 triệu m3.
Hạn hán tại cánh đồng Đak Kut xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: LH.
Do nắng nóng nên xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ ở một số địa phương, trong đó có khoảng 71ha lúa nằm ngoài khu tưới của các hệ thống thủy lợi trên địa bàn các xã: Adơk, Trang và Kdang, huyện Đak Đoa (Gia Lai). Tại tỉnh Kon Tum có 3ha ở xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước.
Tại tỉnh Đắk Nông, đến thời điểm này, toàn tỉnh đang có 13 công trình hồ, đập đã cạn nước; khoảng 30 hồ, đập khác còn dưới 30% dung tích. Hai huyện phía Bắc tỉnh Đắk Nông là nơi tình hình khô hạn đang diễn ra gay gắt nhất tỉnh có dung tích nước tại các hồ, đập thủy lợi rất thấp, trong đó: huyện Cư Jút hiện mực nước chỉ hơn 33% dung tích thiết kế, huyện Đắk Mil hơn 45%. Địa phương có nhiều công trình hồ, đập hết nước nhất phải kể đến huyện Đắk Mil, có 9 công trình: hồ Đắk Ken, hồ Đội 40, hồ Đội 35, hồ Đắk Mbai, hồ Đắk Louu, hồ Tăng Gia (ở xã Đắk Lao); hồ Đội 3, đập HTX Mạnh Thắng (ở xã Đức Mạnh) và hồ Lâm trường Đắk Gằn (ở xã Đắk Gằn).
Vụ Đông Xuân 2024-2025, các tỉnh khu vực Tây Nguyên gieo trồng khoảng 194,2 nghìn ha cây trồng, trong đó lúa là 91,2 nghìn ha, 103 nghìn ha cây hàng năm khác...Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, trong tháng 4 có thể xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ đối với những diện tích cây trồng với diện tích bị ảnh hưởng từ 4.300 đến 7.000ha. Trong đó, tỉnh Kon Tum 300 đến 500ha, Gia Lai 1.000 đến 1.500ha, tỉnh Đắk Lắk 2.000 đến 3.000ha, tỉnh Đắk Nông 1.000 đến 2.000ha.
Trước dự báo trên, các địa phương khu vực Tây Nguyên cần tiếp tục theo dõi tình hình hạn hán, thiếu nước để tổ chức vận hành công trình thủy lợi hiệu quả; phối hợp các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện xây dựng kế hoạch điều tiết chặt chẽ, bảo đảm bổ sung nguồn nước cho hạ du phù hợp khả năng lấy nước của công trình thủy lợi và tiết kiệm nước; chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng có nguy cơ thiếu nước do ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước.
Các địa phương chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng chủ lực như cà phê.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi tiếp tục tăng cường theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn trong và ngoài nước cung cấp; tổ chức dự báo nguồn nước, nhận định tác động của hạn hán, thiếu nước đến sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở tổ chức vận hành công trình thủy lợi hiệu quả.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện xây dựng kế hoạch điều tiết chặt chẽ, bảo đảm bổ sung nguồn nước cho hạ du phù hợp với khả năng lấy nước của công trình thủy lợi và tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện. Ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân có nguy cơ thiếu nước do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước.
Tây Nguyên là nông nghiệp lớn song hỉ có 26% diện tích canh tác được phục vụ bởi hệ thống thủy lợi, phần còn lại phụ thuộc vào nước mưa tự nhiên. Trong 25 năm qua, Tây Nguyên trải qua 17 đợt hạn hán lớn, diện tích và thiệt hại có xu hướng gia tăng. Cây lúa, cà phê và hồ tiêu là nhóm chịu ảnh hưởng chính bởi thiếu nước tưới.
Năm 2024, hầu hết tỉnh Tây Nguyên trải qua hạn hán nghiêm trọng gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp. Tỉnh Đắk Lắk ghi nhận hơn 18.000 ha cây cà phê bị thiệt hại, trong đó hơn 1.000 ha thiệt hại trên 70%, hơn 12.600 ha 30-70%. Còn tỉnh Đắk Nông toàn tỉnh có trên 12.200ha cây trồng cả ngắn ngày, dài ngày bị ảnh hưởng, giảm năng suất, mất trắng./.
Trần Hương
Bình luận