Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Thứ ba, 29/03/2022 11:03
TMO - Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày một nghiêm trọng đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sản xuất của người dân các địa phương.
Tại tỉnh Cà Mau, với 3 mặt giáp biển, tổng chiều dài bờ biển là 254 km (bờ biển Tây dài 154km, bờ biển Đông dài 100km), trong đó có trên 80% tổng chiều dài bị sạt lở. Theo thống kê, từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển trên địa bàn tỉnh đã bị mất khoảng hơn 4000 ha, sạt lở đất ven sông, ven biển, làm hư hỏng nhiều Km đường bê tông, nhiều căn nhà bị thiệt hại.
Tương tự, tại Tiền Giang, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra 92 điểm sạt lở bờ sông, bờ kênh rạch, với tổng chiều dài trên 3.600m (gần bằng số điểm sạt lở cả năm 2019). Tình trạng sạt lở diễn ra tại hầu hết các tuyến sông, rạch, kênh, mương lớn nhỏ trên địa bàn với quy mô và mức độ ngày càng lớn, phức tạp làm hư hỏng các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng, nhà cửa của nhân dân... Trong đó, những tuyến sông và kênh rạch như: Sông Vàm Vé (huyện Gò Công Tây), Kênh 14 cấp nước cho các huyện duyên hải phía Đông, kênh Nguyễn Tấn Thành, kênh Thuộc Nhiêu - Cầu Sao (huyện Châu Thành), sông Ba Rài (huyện Cai Lậy), sông Cái Bè…
Tình hình sạt lở khu vực ĐBSCL diễn biến phức tạp, cần giải pháp ứng phó.
Ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 về Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có đề cập đến công tác phòng, chống, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các địa phương đã có những giải pháp thiết thực nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, giảm thiểu rủi ro thiên tai, góp phần khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.
Các chuyên gia cho rằng, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề cập các giải pháp quan trọng để phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Đặc biệt là việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý sạt lở bờ sông, bờ biển; tăng cường quản lý nhà ở ven sông, ven biển hạn chế nguy cơ sạt lở. Đồng thời từng bước di dời nhà ở, công trình xây dựng trái phép bảo đảm ổn định lâu dài; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm; tổ chức xây dựng công trình chỉnh trị và công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển; nghiên cứu xây dựng phương án chỉnh trị sông, bờ biển đảm bảo phát triển bền vững vùng ven sông, ven biển.
Theo các chuyên gia, cần triển khai, thực hiện tốt Quyết định 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Trong đó, các địa phương tập trung vào các nhiệm vụ như rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; tổ chức điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết kế quy hoạch bờ sông, bờ biển; triển khai thực hiện các các công trình, phi công trình để phòng, chống sạt lở.
Các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phòng, chống sạt lở; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chia sẻ thông tin dữ liệu, kinh nghiệm trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Các địa phương tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác phòng, chống sạt lở; chủ động bố trí ngân sách nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là nguồn lực từ khối tư nhân, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi cho công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Phương Điền
Bình luận