Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ bảy, 27/08/2022 11:08
TMO - Trong giai đoạn 2022 - 2030, Đà Nẵng ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn của 7 lĩnh vực, gồm: Quản lý chất thải rắn; Nguyên liệu; Năng lượng; Khu công nghiệp sinh thái; Tuần hoàn lương thực thực phẩm; Tuần hoàn nước; Công dân tiêu dùng xanh.
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa công bố lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại thành. Theo đó, địa phương này sẽ phát triển kinh tế tuần hoàn dựa trên quan điểm tiếp cận gắn kết, hệ thống và bao trùm; huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan (Nhà nước, doanh nghiệp, người dân); cơ sở khoa học, có căn cứ thực tiễn, kế thừa; thực hiện liên kết vùng, trong nước, quốc tế, liên kết giữa các địa phương.
Trong giai đoạn 2022 - 2030, ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn của 7 lĩnh vực, gồm: Quản lý chất thải rắn; nguyên liệu; năng lượng; khu công nghiệp sinh thái; tuần hoàn lương thực thực phẩm; tuần hoàn nước; công dân tiêu dùng xanh.
Quản lý chất thải rắn là một trong 7 lĩnh vực được ưu tiên triển khai trong lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn tại TP. Ảnh: QH
Lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045 được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 2022 - 2025, khởi động lộ trình với các hoạt động trọng tâm là tuyên truyền, thử nghiệm một số mô hình kinh tế tuần hoàn đơn giản.
Giai đoạn 2025 - 2030, triển khai các dự án thí điểm trong các lĩnh vực ưu tiên (7 lĩnh vực ưu tiên) để thấy mức độ ảnh hưởng, lan tỏa khi áp dụng kinh tế tuần hoàn. Từ sau năm 2030, kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng chủ đạo; nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, mục tiêu đến cuối năm 2045 thành phố cơ bản đạt được các tiêu chí của một thành phố tuần hoàn.
Với lộ trình trên, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được 2 - 3 khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia; tăng tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm của thành phố đạt trên 20%; 100% sản phẩm của thành phố Đà Nẵng được dán nhãn sinh ; mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất so với GRDP đạt mức giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt 30%; xây dựng được 2 nhà máy tái chế, compost; tạo ra việc làm cho 3.200 - 3.500 người/năm từ các hoạt động dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn;…
Thành phố hướng tới mục tiêu xây dựng các khu công nghiệp sinh thái đảm bảo hài hòa phát triển kinh tế với BVMT
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng được cập nhật trên cơ sở tiếp thu các văn bản liên quan gắn với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bổ sung bài học kinh nghiệm từ thử nghiệm chính sách về kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, nhận thức tầm quan trọng của hệ thống thu gom rác phi chính thống trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay, một số ngành/lĩnh vực kinh tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã quan tâm đến thiết kế theo nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn từ trước. Trong giai đoạn 2015-2019, Khu công nghiệp Hòa Khánh được lựa chọn để thí điểm xây dựng khu công nghiệp sinh thái.
Tính đến hết năm 2020, toàn thành phố có 2.529 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 81,7 MWp. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, như: đầu tư sản xuất gạch không nung; các công ty đã có những giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và mang lại hiệu quả cao; các doanh nghiệp và dự án khởi nghiệp thực hành theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Điện mặt trời mái nhà với những hiệu quả trong sử dụng năng lượng đang được triển khai tại thành phố Đà Nẵng
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn thành phố đến nay đã có hơn 37 mô hình gắn với tiêu dùng xanh được triển khai thực hiện như: Thùng thu gom pin thải; Mái nhà xanh; Trồng chuối lấy lá; Điểm tập kết rác văn minh; Khu dân cư tự quản về môi trường; Tổ thân thiện môi trường; Thôn không rác; Trường học không rác...
Thành phố đã ban hành nhiều đề án, quy định và kế hoạch hành động quan trọng có liên quan và tác động trực tiếp đến lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là Đề án Xây dựng Đà Nẵng: Thành phố môi trường giai đoạn 2008-2020 và 2021-2030. Đến nay, đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế tuần hoàn.
Thu Trang
Bình luận