Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ năm, 30/11/2023 14:11
TMO - Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, nhưng do nhiều nguyên nhân, môi trường ở thành phố vẫn còn ô nhiễm. Do vậy, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn của Hà Nội có nhiều chuyển biến. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế hằng ngày trên địa bàn thành phố đạt gần 100%. Thành phố hoàn thành, đưa vào vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động để làm căn cứ triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm.
Thành phố đã xóa được hơn 96% lượng bếp than tổ ong; giảm từ 70 - 90% số vụ đốt rơm rạ sau thu hoạch trong đó các huyện: Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Quốc Oai đã tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không đốt rơm rạ, sử dụng chế phẩm để tái sử dụng rơm rạ. Tính từ năm 2017 đến nay, các cơ quan quản lý môi trường đã xử phạt vi phạm môi trường hơn 6.000 cơ sở, với tổng số tiền phạt là hơn 63 tỷ đồng. Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt hơn 53.000 công trình gây ô nhiễm môi trường với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng.
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 Bộ Chính trị, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu, Thủ đô Hà Nội phải trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh sạch, đẹp, an ninh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững và có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế năng động, trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 06-NQ/TW) yêu cầu về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và phát triển đô thị bền vững phải: Xây dựng và chuẩn hoá các tiêu chuẩn, hệ thống chỉ tiêu, chỉ số về đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững trên phạm vi cả nước và cho từng vùng, địa phương phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam; nâng cao tiêu chuẩn phòng, chống thiên tai, cháy, nổ, sự cố môi trường, dịch bệnh, bảo vệ môi trường trong các công trình xây dựng đô thị…
Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn tại các khu vực trên địa bàn thành phố cần tiếp tục được triển khai hiệu quả, hạn chế tình trạng ùn ứ rác thải. Ảnh: PH.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhất là việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 và các năm tiếp theo. HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 về việc thông qua Đề án "Tăng cường quản lý giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030".
UBND Thành phố cũng đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội. Năm 2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 05-CTr/TU về "Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025". Ngoài ra, Thành phố còn cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và các quy định của Luật Thủ đô 2012, Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào công tác quản lý, bảo vệ môi trường…
Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn tồn đọng khoảng 10% lượng rác thải, nhiều nhất là phế thải xây dựng bị vứt tại các kênh rạch, ao hồ, khu đất trống, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Thành phố đã phân loại rác thải rắn tại nguồn, nhưng kết quả rất hạn chế. Cùng với đó, Hà Nội vẫn nằm trong nhóm thành phố có độ ô nhiễm môi trường không khí cao nhất thế giới, nhất là ô nhiễm bụi PM10 và bụi PM2.5. Mức độ ô nhiễm bụi mịn có xu hướng tăng qua các năm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Những ngày gần đây nhiều trạm quan trắc ở Hà Nội hiển thị chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức rất xấu hoặc nguy hại, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Trong 16 trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thì 7 trạm hiển thị AQI ở mức xấu (151-200), 7 trạm ở mức kém (101-150), hai trạm ở mức trung bình (51-100) và không có trạm mức tốt (0-50). Trong các điểm đo của Đại sứ quán Mỹ, điểm tại Trường quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội ở Phú Thượng, quận Tây Hồ có AQI là 270, tức rất xấu.Trong đó, trạm ở đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm có AQI cao nhất 194 - tiệm cận với mức rất xấu; trạm 36 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm 184.
Mục tiêu bảo vệ môi trường Hà Nội được Đảng bộ TP Hà Nội đề ra tại Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Kế thừa những cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường của Trung ương, TP. Hà Nội và các quy định trong điều 14 Luật Thủ đô 2012, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã bổ sung nhiều quy định mới về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, dự thảo Luật nhấn mạnh biện pháp xử lý các nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài, sử dụng quá tải; cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu nội đô lịch sử, khu vực đô thị trung tâm. Nghiêm cấm lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đề xuất bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào các dự án phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường sông, suối, hồ, ao, đầm bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Có chính sách hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch và lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng kết hợp lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông, giảm phát thải.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này nhấn mạnh đến việc triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường không khí.
Ngoài ra, để giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã xác định phải có sự phối hợp giữa Hà Nội với các địa phương khác trong vùng Thủ đô; có các ưu đãi về đầu tư trong lĩnh vực trồng, phát triển cây xanh, trồng rừng, xử lý rác thải, nước thải, dịch vụ môi trường...Đồng thời tiếp tục khẳng định Hà Nội sẽ có các biện pháp mạnh hơn để có thể giảm phát thải nhựa, như quy định hạn chế sử dụng bao gói nilon, nhựa khi mua hàng. Những biện pháp mạnh có thể sẽ tác động được vào ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc giảm phát thải nhựa trên địa bàn Thủ đô…
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định HĐND thành phố Hà Nội quy định, vùng phát thải thấp và các biện pháp cần thiết kèm theo để bảo đảm phát triển bền vững. Việc hình thành các quy định về điều kiện thực hiện vùng phát thải thấp nhằm thực thi có hiệu quả hơn quy định đối với từng phân vùng môi trường tại Điều 23 Luật BVMT 2020 và các Điều 22 và 23 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (Nghị định 08/2022/NĐ-CP) về Vùng bảo vệ nghiêm ngặt và Vùng hạn chế phát thải.
Trong đó, theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP, các khu dân cư tập trung ở đô thị bao gồm khu vực nội thành, nội thị của những đô thị đặc biệt (trong đó có Thủ đô Hà Nội) là Vùng bảo vệ nghiêm ngặt và khu vực vùng đệm của Vùng bảo vệ nghiêm ngặt là Vùng hạn chế phát thải. Yêu cầu về BVMT theo các phân vùng môi trường trên là phải đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, khí thải quy định giá trị giới hạn cho phép của những chất ô nhiễm phù hợp với yêu cầu bảo vệ của phân vùng môi trường đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải, bảo đảm không gây tác động xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật.
Để hoàn thành các mục mục tiêu trên, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tăng cường, bổ sung nhiều biện pháp nhằm khuyến khích đầu tư đối với lĩnh vực, phương thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ có mức độ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô; Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông có mức độ phát thải thấp (như đường sắt đô thị, xe điện, xe sử dụng năng lượng sạch, có mức độ phát thải thấp…); Biện pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện gây ô nhiễm di chuyển trong một số khu vực của Hà Nội (như khu nội đô lịch sử); Biện pháp sử dụng, áp dụng các trang thiết bị, máy móc, nguyên liệu sạch, năng lượng tái tạo...
Thùy Chi
Bình luận