Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 14:11
Chủ nhật, 05/11/2023 07:11
TMO - Xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn hình thành ở nhiều địa phương đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, công tác quảng bá loại hình du lịch này được đẩy mạnh triển khai.
Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch canh nông đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách. Thực tế cho thấy, giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn mang lại không chỉ đơn thuần là thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác như định hình nền nông nghiệp xanh, bền vững; giữ gìn bản sắc văn hóa của nông thôn...Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến nửa năm 2023, cả nước có khoảng gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động.
Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới (Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025).
Việt Nam hiện có nhiều loại hình du lịch nông thôn như: Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề… Những loại hình du lịch này ở nông thôn giúp phát triển kinh tế nông thôn và tạo sự gắn kết và tự hào về một miền quê tươi đẹp, mà mỗi cư dân tại địa phương cảm nhận qua những sản phẩm du lịch mà họ muốn giới thiệu đến du khách. Bên cạnh đó, thế mạnh từ các sản phẩm nông sản địa phương để giới thiệu cho khách du lịch sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn. Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP ra đời vào năm 2018, đến nay, chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền.
Các địa phương khai thác, phát huy lợi thế trong phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông thôn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 6/2023 đã có 45/63 tỉnh, thành ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều tỉnh đặt mục tiêu sớm chuẩn hóa sản phẩm du lịch nông thôn và phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch thông minh, du lịch không phát thải… áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số.
Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) vừa ra mắt chuyên trang quảng bá du lịch nông thôn. Chuyên trang là nơi quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch nông thôn, đồng thời nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị.
Chuyên trang quảng bá du lịch nông thôn tại địa chỉ https://nongthon.vietnamtourism.gov.vn. Chuyên trang tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để định hướng, hỗ trợ quản lý và phát triển du lịch nông thôn; cập nhật tin tức, sự kiện trong ngành du lịch, các địa phương, doanh nghiệp, về những hoạt động phát triển du lịch nông thôn, các chương trình lễ hội văn hóa, du lịch gắn với nông thôn. Đồng thời, đây cũng sẽ là nơi giới thiệu các mô hình, kinh nghiệm hay ở trong nước và quốc tế về phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch xanh, du lịch bền vững, du lịch cộng động, du lịch sinh thái, áp dụng chuyển đổi số...
Chuyên trang quảng bá du lịch nông thôn vừa ra mắt nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch nông thôn.
Đặc biệt, chuyên trang cũng sẽ giới thiệu tiềm năng, vẻ đẹp các điểm đến du lịch ở vùng nông thôn, các chương trình du lịch, tour tuyến, các dịch vụ liên quan đến du lịch ở địa bàn. Giới thiệu các sản phẩm du lịch nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản vật của ở các vùng miền để thu hút khách du lịch về các vùng quê để tham gia trải nghiệm sản phẩm, mua sắm tiêu thụ nông sản ngày một nhiều hơn, góp phần gia tăng giá trị kinh tế của du lịch nông thôn.
Việc ra đời chuyên trang này trong nhiệm vụ thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là nỗ lực nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương; góp phần thúc đẩy du lịch ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nâng cao chất lượng nông nghiệp, chất lượng đời sống của nông dân, thúc đẩy gia tăng cơ cấu và giá trị dịch vụ du lịch trong hoạt động nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.
Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022. Trong đó, xác định phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Chương trình phát triển du lịch nông thôn cũng đặt ra nhiệm vụ cần triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn, định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện cho xúc tiến các điểm du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn, tiếp cận thị trường du lịch, kết nối với khách hàng mục tiêu.
Đào Hạnh
Bình luận