Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 09:11
Thứ tư, 27/07/2022 21:07
TMO - Công tác thanh, kiểm tra cho thấy hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, việc đẩy mạnh công tác quản lý, siết chặt thanh tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản đang được địa phương này chú trọng triển khai.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, đến nay, trên địa bàn tỉnh này có 254 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong đó có: 61 giấy phép do Bộ TN&MT cấp; 193 giấy phép do UBND tỉnh Nghệ An cấp.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở một số loại khoáng sản như: đất san lấp, cát sỏi lòng sông, quặng thiếc, đá trắng. Trên địa bàn tỉnh có nhiều vụ mất an toàn lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản, gây thiệt hại về người, tài sản. Điển hình là khai thác đá trắng, quặng thiếc trên địa bàn huyện Quỳ Hợp; khai thác đá xây dựng ở các địa phương như Tương Dương, Yên Thành, Đô Lương...
Khai thác đá trái phép tại huyện Quỳ Hợp
Theo báo cáo của HĐND tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản, tổ chức triển khai các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các địa phương cùng tham gia vào công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản.
Thực hiện quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc thanh tra trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước về môi trường và khoáng sản của Bộ TN&MT, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã có báo cáo gửi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo kế hoạch trong năm 2022, sẽ có 26 doanh nghiệp, tổ chức hoạt động khoáng sản được thanh tra trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, Thanh tra tỉnh còn tiến hành làm việc với UBND tỉnh Nghệ An, các sở, ngành về công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.
Trong hoạt động quản lý thuế, khai thác khoáng sản trên địa bàn, Cục Thuế Nghệ An hiện quản lý 294 tổ chức doanh nghiệp có khai thác khoáng sản và nộp thuế tài nguyên, bảo vệ môi trường. Năm 2020 đã nộp 869 tỷ, riêng 11 tháng năm 2021 đã nộp 1125 tỷ, gần 8% tổng thu ngân sách. Thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản thời gian qua đã có nhiều đóng góp cho ngân sách và tăng trưởng theo các năm.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro. Thời gian qua, ngành đã triển khai tham mưu nhiều biện pháp chống thất thu thuế, đơn cử như xây dựng các định mức tiêu hao vật liệu nổi trong khai thác khoáng sản về đá, tiêu hao năng lượng trong chế biến đá, xác minh hàng hoá qua cảng, các đơn vị khác, tham mưu thành lập các đoàn liên ngành ở Quỳ Hợp, đã góp phần chống thất thu ngân sách.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII đã thống nhất ban hành Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề về “Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề nhằm đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp triển khai công tác quản lý, khai thác khoáng sản. kiến nghị HĐND tỉnh, chính quyền và các các sở, ngành của Nghệ An tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn.
Theo đó, đoàn giám sát gồm lãnh đạo Thường trực và một số Ủy viên Thường trực của HĐND tỉnh; đại diện các Ban, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh và một số đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An. Về phạm vi giám sát là công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn từ năm 2016 đến ngày 31/2/2021. Đối tượng giám sát là UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh.
Đoàn sẽ giám sát đánh giá công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, bao gồm việc ban hành các văn bản quản lý và tuyên truyền phổ biến pháp luật về khoáng sản; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch, cấp phép, khai thác, sử dụng khoáng sản; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về khoáng sản.
Bên cạnh đó, đoàn còn giám sát tình hình hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản, UBND tỉnh Nghệ An sẽ tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan phù hợp với thực tế đối với các loại khoáng sản chưa được cấp phép khai thác.
Đồng thời, chỉ đạo Sở TN&MT, các địa phương triển khai rà soát tổng thể các loại khoáng sản đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh; Tập trung vào các loại khoáng sản phù hợp nhu cầu phát triển của tỉnh như đất san lấp, cát sỏi xây dựng đồng thời bổ sung cấp phép các loại khoáng sản có giá trị lớn như quặng thiếc, đá trắng và các loại khoáng sản quý hiếm khác.
UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các đơn vị chức năng có liên quan tăng cường phối hợp trong giám sát, quản lý hoạt động khai thác
Đối với các khu vực đã được tổ chức đấu giá quyền khai thác thì cần khẩn trương đôn đốc các doanh nghiệp trúng thầu làm thủ tục để cấp phép khai thác và cung cấp trong thời gian sớm nhất để phục vụ thu hút đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, đối với việc khai thác các khối lượng san lấp đất có quy mô nhỏ cần nghiên cứu để phân cấp cho huyện quản lý nội dung này như xây nhà, cải tạo vườn.
UBND tỉnh đề nghị các đơn vị chức năng triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc kiểm soát hoạt động khoáng sản. Tăng cường sự phối hợp công tác giữa các ban ngành, địa phương trong hoạt động khoáng sản nhất là Sở TN&MT - Cục thuế - Công an tỉnh, ngành văn hóa thông tin và các địa phương trong việc giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Bùi Nam
Bình luận