Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 19:01
Thứ hai, 25/07/2022 10:07
TMO - Nhằm khai thác bền vững nguồn tài nguyên nước và khoáng sản trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, thành phố Cần Thơ tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, khoáng sản trên địa bàn nhằm triển khai hiệu quả các kế hoạch, đề án quản lý đề ra.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có tổng cộng 13 sông. Các sông chính bao gồm: sông Hậu (sông liên quốc gia), sông Đờn Dang, sông Rạch Sỏi, sông Ô Môn, sông Cần Thơ, sông Bình Thuận. Hiện nay, việc khai thác nước mặt ở Cần Thơ chủ yếu lấy từ nguồn nước sông Hậu, sông Cần Thơ....thành phố có khoảng 52 công trình khai thác nước mặt với tổng công suất khoảng 3.459.000 m3 /ngày đêm, cung cấp nước tưới cho mùa khô và có ý nghĩ lớn đối với giao thông đường thủy.
Trữ lượng nước dưới đất tại thành phố Cần Thơ tồn tại trong 7 tầng chứa nước lỗ hổng phân bố đến độ sâu khoảng 400 - 500 m với trữ lượng tiềm năng nước dưới đất (nước nhạt) tại thành phố Cần Thơ khoảng 1,5 triệu m3/ngày đêm
Thông tin từ Sở TN&MT thành phố Cần Thơ, từ đầu năm đến nay đơn vị đã trình UBND thành phố cấp 33 giấy phép khai thác nước dưới đất, với tổng lưu lượng khai thác 89.358m3/ngày, đêm; cấp 5 giấy phép khai thác nước mặt, với tổng lưu lượng 28.630m3/ngày đêm...
TP Cần Thơ triển khai các giải pháp trong quy hoạch, qua đó khai thác tài nguyên nước trên địa bàn bền vững
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng tập trung thực hiện các thủ tục triển khai Ðề án “Xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn TP Cần Thơ”; Dự án “Lập danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, lập bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, phân định vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP Cần Thơ”; Dự án “Ðiều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP Cần Thơ”...
Báo cáo của Sở TN&MT cho biết, đến nay Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến giai đoạn lấy ý kiến của Sở TN&MT đối với hợp phần “Tài nguyên và Môi trường” trong đó, có yêu cầu đơn vị tư vấn chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến tài nguyên nước sao cho phù hợp với Luật tài nguyên nước năm 2012 và văn bản chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đang triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc mặn tự động tại 3 vị trí: cầu Cái Sắn, kênh Xà No và Cảng Cái Cui của dự án “Xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai do BÐKH gây ra và tăng cường mạng lưới quan trắc, cảnh báo xâm nhập mặn tại TP Cần Thơ”; phối hợp thực hiện các hoạt động tiếp theo của Dự án Nghiên cứu Kinh tế thích ứng khí hậu tại TP Cần Thơ của Việt Nam...
Đối với tài nguyên khoáng sản, theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đến năm 2020, cát san lấp có 13 khu vực, tổng diện tích 633,94 ha, trữ lượng và tài nguyên 13.927.050 m3 trong đó có 8 khu vực thuộc quận Thốt Nốt, 2 khu cực thuộc quận Ô Môn, 1 khu vực thuộc quận Bình Thủy và 2 khu vực thuộc quận Cái Răng.
Quy hoạch dự trữ khoáng sản được nêu rõ như sau: Sét gạch ngói: 9 khu vực, tổng diện tích 5.866 ha, tổng tài nguyên 573,93 triệu m3; sét keramzit: 2 khu vực, tổng diện tích 1.947 ha, tổng tài nguyên 83,721 triệu m3.
Những năm qua, thành phố đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung quản lý chặt việc cấp phép, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản - cát sông. Sở TN&MT đã tổ chức kiểm tra tọa độ vị trí khai thác cát, vị trí giới hạn cắm bảng hiệu, phạm vi diện tích khai thác theo giấy phép đã cấp cho các doanh nghiệp cũng như công suất, phương tiện khai thác đã đăng ký hoạt động.
Ngành chức năng thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển cát trên địa bàn. Ảnh: H Văn
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác rà soát, nhắc nhở để các doanh nghiệp khai thác khoáng - cát sông thực hiện kịp thời nghĩa vụ tài chính theo quy định về tiền cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên, thuê đất có mặt nước, phí bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường. Đồng thời, tăng cường thực hiện phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trên địa bàn thành phố.
Hiện tại, Cần Thơ đã phối hợp với các tỉnh giáp ranh như An Giang, Đồng Tháp ký Quy chế phối hợp về việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực cát sông vùng giáp ranh địa giới hành chính, thông báo bằng văn bản và đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Sở TN&MT, gửi các cơ quan, địa phương liên quan thông tin về công suất khai thác, số lượng, số hiệu của phương tiện được phép khai thác cát để nắm, chủ động trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát.
Thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục thực hiện chặt chẽ việc thẩm định, cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản cát trên địa bàn thành phố đúng theo trình tự, thủ tục pháp luật, phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo tính răn đe, tránh tái vi phạm. Trường hợp cần thiết, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND TP. Cần Thơ thu hồi Giấy phép khai thác cát theo quy định.
Thu Hà
Bình luận