Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ bảy, 29/07/2023 07:07
TMO - Theo đánh giá của ngành chức năng, việc quản lý chất lượng không khí đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự hợp tác của các ngành và sự góp sức ở địa phương.
Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí cho thấy, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2,5 - loại bụi được coi là tử thần trong không khí khi có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em. Ô nhiễm không khí cũng gây ra thiệt hại lớn về kinh tế.
Theo báo cáo môi trường quốc gia, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khoẻ con người bao gồm các khoản chi phí: Chi phí khám và thuốc chữa bệnh, mất ngày công lao động do nghỉ ốm, tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm. Đa số người dân sau khi nghỉ ốm để điều trị bệnh hoặc có người thân bị ốm sẽ giảm khoảng 20% về thu nhập và sức khỏe so với trước khi bị bệnh.
Kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm không khí cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng, địa phương. Ảnh: MQ.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường được ban hành, trên cơ sở kế hoạch bảo vệ môi trường không khí quốc gia được Chính phủ phê duyệt, Bộ TN&MT đang triển khai nhiều biện pháp. Bộ TN&MT đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật để các tỉnh, thành trên cả nước căn cứ vào đó xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm không khí. Cả nước có 9 địa phương đã xây dựng kế hoạch quản lý kiểm soát chất lượng không khí và 19 địa phương đang xây dựng dự án kiểm soát chất lượng không khí.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đã ban hành tiêu chuẩn khí thải trên toàn quốc; ban hành quy chuẩn về quản lý không khí cấp quốc gia, có hiệu lực từ 1.9 tới. Quy chuẩn này đặt tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng không khí, đặc biệt tại một số thông số quan trọng như bụi. Ngày trước tại Việt Nam thực hiện quy chuẩn cũ với thông số trung bình ngày là 50 mg/m3 , tại tiêu quy chuẩn mới giảm xuống 45 mg/m3. Bộ TN&MT mong muốn áp đặt đồng bộ quy chuẩn này để cải thiện không khí trên cả nước.
Ngoài ra, Bộ cũng đang thực hiện dự án bổ sung 18 trạm quan trắc ở 16 tỉnh, thành để giám sát chất lượng không khí. Về việc giảm phát thải khí thải, Bộ TN&MT đã tăng cường giám sát các doanh nghiệp về khí thải với 600 trạm quan sát kết nối trực tiếp với Bộ TN&MT. Từ đó, Bộ TN&MT nắm chắc thông số và lượng khí thải, phát thải của từng doanh nghiệp, và nếu có vấn đề, có sự cố xảy ra Bộ cũng có thể chủ động kiểm soát và khắc phục.
Cùng với các địa phương khác trên cả nước, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, Sở TN&MT cho biết, Hà Nội phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí bắt nguồn từ thành phố chỉ chiếm phần ít. Phần lớn ô nhiễm đến từ các tỉnh ngoài, thậm chí xuyên biên giới. Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp, truyền thông nâng cao nhận thức người dân cũng như đầu tư các giải pháp kỹ thuật. Trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có đề xuất cụ thể để Hà Nội triển khai các đề án quản lý môi trường, hy vọng cuối năm thành phố phê duyệt.
Thành phố cũng đã thí điểm áp dụng giải pháp hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết hợp với hệ thống quan trắc quốc gia để sớm phát hiện điểm nóng ô nhiễm. Xây dựng trung tâm chuyển dữ liệu về Sở TN&MT và công bố lên cổng thông tin thành phố để người dân cập nhật thông tin trước khi ra đường. Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch chương trình, xác định nguồn thải chính đang xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Việc này tiến hành từng bước để giảm thiểu.
Cùng với việc quản lý, kiểm soát tốt chất lượng không khí, chuyển đổi sang các ngành công nghiệp thân thiện môi trường là giải pháp quan trọng.
Theo đánh giá của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, giải quyết vấn đề quản lý chất lượng không khí, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Như chúng ta đều biết, vấn đề ô nhiễm không khí chủ yếu xuất phát từ các ngành dịch vụ, công nghiệp, giao thông… Việt Nam là nước đang phát triển, mục tiêu hiện tại của chúng ta vẫn là trở thành đất nước công nghiệp. Từ thực tế đó, rõ ràng là các nguồn phát thải nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng theo đà tăng lên. Từ đó, công tác quản lý chất lượng không khí cũng khó khăn theo. Bên cạnh đó, nước ta đang tiếp nhận các ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên, năng lượng. Các ngành sử dụng năng lượng hoá thạch là chủ yếu, dẫn đến phát thải tăng.
Cần có nỗ lực và hành động đồng bộ từ nhiều ngành trong quản lý chất lượng không khí. Nếu muốn cải thiện chất lượng không khí, cần có sự hợp tác của các ngành, nếu chỉ một số ngành thì không giải quyết được. Ngoài ra, đây không chỉ là vấn đề ở Trung ương, mà còn cần sự góp sức ở địa phương nữa.
Ngoài quản lý, kiểm soát tốt chất lượng không khí, chúng ta cần phải chuyển đổi sang các ngành công nghiệp thân thiện môi trường. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi nguồn lực, khoa học công nghệ và nhân lực rất lớn. Do điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay, đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn chế. Với những khó khăn, thách thức đã được nêu ra từ các chuyên gia, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực để giải quyết các vấn đề, thúc đẩy cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam. Để cải thiện chất lượng không khí, cần có sự hợp tác của các ngành, nếu chỉ một số ngành thì không giải quyết được. Ngoài ra, đây không chỉ là vấn đề ở trung ương, mà còn cần sự góp sức ở địa phương.
Theo các chuyên gia, ngoài quản lý, kiểm soát tốt chất lượng không khí, cần phải chuyển đổi sang các ngành công nghiệp thân thiện môi trường. “Ô nhiễm không khí không phải là vấn đề của riêng mỗi địa phương. Việc ứng dụng chuyển đổi số là cơ hội lớn, nếu thực hiện, chúng ta sẽ nắm được thông tin dữ liệu cần thiết, xác định nguồn ô nhiễm, xác định nguyên nhân, trách nhiệm rõ ràng, phân bổ hợp lý các nguồn lực. Từ đây, sự tham gia vào cuộc của đơn vị, cộng đồng cũng mở rộng.
Lê Dương
Bình luận