Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ hai, 25/03/2024 07:03
TMO - Trước sự gia tăng của các nguồn thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lâm Đồng, với khối lượng các nguồn thải đang ngày càng gia tăng thì việc thu thập, quản lý thông tin môi trường trên địa bàn tỉnh nhờ triển khai đồng bộ nên phát huy hiệu quả nhất định trong quản lý, kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải ra môi trường, góp phần cải tạo cảnh quan sinh thái.
Hiện nay đã có trên 5.000 hồ sơ môi trường được tỉnh phê duyệt; trên 95% cơ sở đầu tư mới đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường. Ngành chức năng tỉnh cũng công khai hóa thông tin về đánh giá tác động môi trường; việc giấy phép môi trường; thông tin về nguồn thải, chất thải và xử lý chất thải, cũng như kết quả thanh tra và kiểm tra về bảo vệ môi trường thông qua các trang thông tin điện tử của ngành, trong các cuộc đối thoại.
Kiểm soát nguồn rác thải là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh triển khai, qua đó kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng ùn ứ rác thải gây ô nhiễm môi trường. Đối với chất thải rắn sinh hoạt, đến nay đã có 8/12 huyện, thành phố trong tỉnh đã có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoặc đang đầu tư, xây dựng để đưa vào vận hành sắp đến. Tại huyện Đức Trọng đã quy hoạch Nhà máy Xử lý chất thải rắn tập trung với công suất xử lý 250 tấn rác thải/ngày; còn 3 huyện còn lại đang sử dụng biện pháp chôn lấp.
Thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đổi lấy quà tặng tại huyện Đạ Tẻh.
Thống kê của Sở TN&MT tỉnh cho thấy, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại Lâm Đồng hiện nay khoảng 581,3 tấn/ngày; ở nông thôn phát sinh khoảng 378,72 tấn/ngày: tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trung bình đạt khoảng 87-88%, trong đó TP Đà Lạt có tỷ lệ thu gom cao nhất, khoảng 99%; TP Bảo Lộc khoảng 80%, các đô thị khác trung bình đạt từ 65-90%. Tỷ lệ thu gom ở nông thôn đạt khoảng 79,69% tổng khối lượng phát sinh.
Với chất thải rắn công nghiệp thông thường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh việc kiểm soát, quản lý được thực hiện thông qua thẩm định hồ sơ môi trường trước khi dự án đi vào hoạt động và công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm. Riêng chất thải nguy hại phát sinh, đến nay ngành chức năng đã xử lý trên 456 tấn, chiếm tỷ lệ 83,49%; gần 100% chất thải y tế nguy hại trong tỉnh đã được thu gom, xử lý đúng quy định.
Công tác thu gom, xử lý bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh được các địa phương đẩy mạnh triển khai. Toàn tỉnh đến nay đã xây dựng được 2.881 bể chứa và 22 khu vực lưu chứa; đã thu gom được 130,5 tấn và xử lý được 120,670 tấn. Trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng lấy quà tặng đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các địa phương tiến hành cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh. Đến nay, ngoài các địa phương đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung thì có huyện Bảo Lâm đang tiến hành cải tạo, xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm. Đối với các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh thì các đơn vị quản lý đều bố trí kinh phí để thực hiện rải vôi và phun chế phẩm vi sinh, hóa chất diệt ruồi lên bề mặt rác để giảm thiểu mùi hôi.
Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp ở trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới được Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng nhấn mạnh triển khai, đó là việc tiếp tục tăng cường truyền thông về bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền.
Việc triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ môi trường được các địa phương chú trọng thực hiện.
Sở TN&MT tỉnh sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ liên quan đến kiểm kê khí nhà kính, các biện pháp giảm nhẹ phát thải, đặc biệt là giảm phát thải trong phát sinh và xử lý chất thải rắn; tiếp tục mở rộng việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp và thống nhất về tài nguyên, môi trường cũng như xây dựng cơ chế phù hợp khai thác, chia sẻ thông tin, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, việc quy hoạch bảo vệ môi trường thực hiện ở cấp quốc gia nên ở cấp tỉnh, công tác bảo vệ môi trường được lồng ghép với quy hoạch kinh tế - xã hội. Hiện ngành chức năng tỉnh đang rà soát, sắp xếp, định hướng phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, quản lý chất thải, quan trắc môi trường trên toàn tỉnh; xác định nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững địa phương, phù hợp với từng thời kỳ.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc triển khai thực hiện giám sát, kiểm soát các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông... ở các địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Các cơ quan chức năng tập trung giám sát các cơ sở, khu vực có hoạt động sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; hướng dẫn, đôn đốc để yêu cầu chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước tập trung, bảo đảm tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 92%...
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể, bảo đảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu đô thị đạt 95%; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng các quy hoạch quản lý chất thải rắn cấp vùng và quy hoạch tại các địa phương, làm căn cứ để xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Nhiều địa phương đã lồng ghép nội dung quy hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt vào quy hoạch chung của các tỉnh, thành phố.
Bộ cũng xây dựng “Hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia”, khắc phục tình trạng dữ liệu quan trắc môi trường đang “phân mảnh”, riêng rẽ hiện nay và tối ưu được nhiều hoạt động. Toàn bộ dữ liệu quan trắc môi trường sau khi được tiếp nhận từ các bộ, ngành và địa phương cùng với dữ liệu từ chương trình quan trắc môi trường quốc gia được xử lý, kiểm duyệt và phân tích, tổng hợp trên các nền tảng công nghệ các siêu máy tính, xử lý dữ liệu lớn với tốc độ cao, máy học, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tích hợp, từ đó công bố thông tin môi trường và dự báo, cảnh báo môi trường...
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm ở nước ta thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các địa phương…kiểm soát chặt chẽ về môi trường và hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tỷ lệ 92% số khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Ngành TN&MT cần tập trung tổ chức tốt các chương trình quan trắc chất lượng không khí, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, đặc biệt tại một số thành phố thường xuyên có chất lượng không khí kém; xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chuẩn bị được đầy đủ các điều kiện cần thiết cho các địa phương triển khai theo đúng yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020…
Thanh Hoa
Bình luận