Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 01/11/2024 06:11
Thứ hai, 13/06/2022 20:06
TMO - Biển nước ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú và đa dạng, góp phần quan trọng trong việc phát triển các ngành kinh tế biển. Nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, công tác bảo vệ môi trường biển phải đặc biệt được chú trọng.
Tại Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định bảo vệ môi trường biển là một nội dung xuyên suốt. Theo đó, bảo vệ môi trường biển gắn với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu.
Môi trường biển đang chịu tác động lớn từ các nguồn thải, trong đó nghiêm trọng nhất vẫn là rác thải nhựa
Trước những thách thức về môi trường biển như chất thải nhựa đại dương, nguồn thải lục địa, sự cố môi trường… chiến lược tập trung vào định hướng các hoạt động kiểm soát chất thải tại nguồn, khẳng định vai trò của các khu bảo tồn biển trong việc tạo dựng hệ sinh thái biển khỏe mạnh.
Hiện Việt Nam có 28/63 tỉnh, thành phố có biển với dân số 51 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm 34%. Theo các chuyên gia, quá trình đô thị hóa kéo theo nhu cầu tiêu dùng của người dân gia tăng, đồng nghĩa với gia tăng phát sinh chất thải, gây sức ép lên môi trường.
Trước thực trạng trên, thời gian qua các địa phương khu vực ven biển đã đẩy mạnh triển khai các biện pháp, kế hoạch hành động nhằm nâng cao chất lượng môi trường biển, khu vực ven biển, từ đó tạo thuận lợi cho việc khai thác tài nguyên biển đảo trong phát triển kinh tế xã hội.
Với bờ biển dài hơn 250km, nguồn tài nguyên biển đảo phong phú, những năm qua, Quảng Ninh luôn nỗ lực các giải pháp để bảo vệ môi trường biển gắn với phát triển du lịch và thủy sản.
Tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thu gom rác thải tại các khu vực biển, đảo. Ảnh: Hoàng Nga
Để bảo vệ môi trường biển và hải đảo hiệu quả, Quảng Ninh đã kiện toàn bộ máy quản lý về công tác này, trong đó Chi cục Biển và Hải đảo trực thuộc Sở TN&MT thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn nhằm tăng cường quản lý, giám sát chất lượng môi trường biển
Tỉnh đang triển khai thực hiện dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại TP Hạ Long, TP Móng Cái; tiếp tục xúc tiến đầu tư dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho các khu vực đô thị tập trung tại Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên... nhằm hạn chế nước sinh hoạt xả thải trực tiếp ra biển. Đồng thời, tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện cải tạo hành lang sinh thái ven biển, tập trung triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển.
Thanh Hóa có bờ biển dài 102 km dọc theo 6 huyện, thị xã. Để triển khai công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT để tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Chi cục biển và hải đảo tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về Luật tài nguyên và môi trường biển
Đặc biệt là trong quá trình lập, trình phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
Đồng thời, tiếp tục triển khai Chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường, xác định được xu thế diễn biến chất lượng môi trường vùng biển tỉnh Thanh Hóa. Kịp thời phát hiện và cảnh báo các trường hợp ô nhiễm môi trường và các sự cố ô nhiễm môi trường vùng biển tỉnh Thanh Hóa.
Với vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng, TP. Đà Nẵng đang được định hướng phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển. Vì thế, địa phương này đang triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường tại khu vực này.
Để giảm thiểu vấn nạn xả rác bừa bãi, Ban quản lý các khu vực biển tuyên truyền nâng cao ý thức người dân thông qua website, fanpage. Địa phương này chú trọng đẩy mạnh triển khai các chương trình hành động, ra quân thu dọn rác thải tại các khu vực ven biển.
Thành phố Đà Nẵng phát động các phong trào thu gom, giảm thiểu rác thải nhựa khu vực ven biển
Cùng với đó, Đà Nẵng tăng cường thu hút rất nhiều dự án hợp tác quốc tế về môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng nhờ vào tầm nhìn và định hướng của thành phố trong việc phấn đấu trở thành “Thành phố môi trường”, hướng đến “Thành phố sinh thái”.
Liên quan đến rác thải nhựa đại dương, thành phố hiện đang tham gia dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và dự án “Khép kín vòng tuần hoàn: Xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”, dự án của Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên hợp quốc (ESCAP) với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, nhằm giảm tác động môi trường của các thành phố ở khu vực ASEAN bằng cách giải quyết ô nhiễm nhựa trên biển.
Sở TN&MT cũng đang phối hợp với Viện Nghiên cứu biển Plymouth (Vương quốc Anh) xây dựng đề xuất dự án “Sử dụng vệ tinh để phát hiện chất thải nhựa do con người gây ra” để phát hiện mảnh vụn nhựa biển và truy vết đường đi của rác thải nhựa từ đất liền ra biển.
Đồng thời triển khai hợp phần “Đánh giá khả năng tiếp nhận, tự xử lý các chất hữu cơ và carbon có nguồn gốc từ đất liền và giá trị kinh tế - xã hội của vịnh Đà Nẵng” nhằm đảm bảo môi trường biển và các sinh cảnh có khả năng phục hồi...
Xác định công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực biển, ven biển góp phần quan trọng trong quá trình khai thác tài nguyên, phát triển các ngành kinh tế. Thời gian qua, các địa phương ven biển nước ta đang tích cực triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hành động nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường biển, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng.
Hồng Thắm
Bình luận