Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ bảy, 30/12/2023 07:12
TMO - Trong năm 2023, công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp được giám sát có chiều hướng tốt hơn; các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm trên cả nước được kiểm soát chặt và không để xảy ra sự cố.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, để chủ động phòng ngừa ô nhiễm môi trường, ngay từ đầu năm 2023, đơn vị này đã trình lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định thành lập 18 Tổ Giám sát đối với các cơ sở, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ban hành Quy chế hoạt động và Kế hoạch giám sát về bảo vệ môi trường đối với các tổ giám sát để triển khai. Qua đó, công tác kiểm soát, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được Cục triển khai rất bài bản và hiệu quả.
Công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp được giám sát có chiều hướng tốt hơn. Ảnh: BTN.
Trong quá trình thực hiện, Cục đã nhận được sự phối hợp tích cực, sự đồng tình, ủng hộ của các địa phương và các đơn vị liên quan. Kết quả giám sát cho thấy hầu hết các cơ sở đã thực hiện đầy đủ các hồ sơ môi trường và xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo hồ sơ môi trường được cấp/phê duyệt. Tổ giám sát đã tích cực hướng dẫn hoặc yêu cầu các cơ sở thực hiện theo đúng quy định và đã được các cơ sở thực hiện nghiêm túc. Theo đó, công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp được giám sát có chiều hướng tốt hơn. Các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được kiểm soát chặt và không để xảy ra sự cố môi trường trong năm 2023. Bên cạnh đó, đường dây nóng về ô nhiễm môi trường đã được duy trì vận hành thường xuyên nhằm kịp thời tiếp nhận và xử lý những phản ánh về ô nhiễm môi trường trên cả nước.
Từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 18/12/2023, Cục đã tiếp nhận 663 thông tin phản ánh của Công dân về ô nhiễm môi trường; có 274 thông tin, vụ việc đã được đường dây nóng cấp Trung ương gửi về đường dây nóng các địa phương để xác minh, xử lý theo thẩm quyền; có 389 thông tin đã được đường dây nóng cấp Trung ương hướng dẫn công dân thực hiện theo quy định pháp luật. Trong đó, 203/274 thông tin, vụ việc đã được các địa phương xác minh, xử lý theo thẩm quyền. Qua điểm tin báo chí có 225 thông tin phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường cần lưu ý trong đó có 64 tin nóng đã tham mưu lãnh đạo cục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xác minh, xử lý báo cáo và có 39/64 tin nóng đã được các đơn vị chuyên môn xác minh, xử lý, báo cáo.
Đối với những việc xử lý các điểm nóng, sự cố môi trường phát sinh, trong năm 2023, Cục đã tiếp nhận tổng số 20 vụ việc, sự cố môi trường phát sinh trên cả nước. Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục đã tổ chức kiểm tra, khảo sát, xác minh thông tin hoặc ban hành văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương đề nghị xác minh thông tin vụ việc, báo cáo kết quả về Cục để nắm bắt thông tin, giám sát việc xử lý và phối hợp giải quyết theo quy định. Ngoài ra, Cục cũng tăng cường kiểm soát đối với các cơ sở, khu vực sản xuất hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường kéo dài, có nhiều phản ánh, kiến nghị của cử tri cơ quan truyền thông và nhân dân.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường chủ động kiểm soát, phòng ngừa, trên cơ sở pháp lý, kiểm tra, giám sát và quan trắc.
Qua kiểm tra thực tế, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã phát hiện một số tổ chức có vi phạm về bảo vệ môi trường như liên quan đến xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép; vi phạm công tác báo cáo bảo vệ môi trường; vi phạm về giấy phép môi trường; vi phạm về chương trình quan trắc môi trường định kỳ. Qua đó, Cục đã kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành 48 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 23.744.290.000 đồng; ngoài ra, Thanh tra Bộ đang tiếp tục xử lý đối với 05 trường hợp đã lập Biên bản vi phạm hành chính, dự kiến sẽ nâng số tiền phạt lên thành 27.944.290.000 đồng. Trong năm 2023, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý tại khu vực đô thị ước đạt khoảng 95%; tại khu vực nông thôn ước đạt 71%; trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 64% (giảm 26% so với năm 2012). Tổng lượng chất thải nhựa được thu gom, tái chế khoảng 2,4 triệu tấn.
Trong năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ Môi trường và các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như các bộ, ngành, địa phương để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, chủ động kiểm soát, phòng ngừa, trên cơ sở pháp lý, kiểm tra, giám sát và quan trắc. Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, phối hợp với các địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau; tiếp tục đổi mới sáng tạo để có nhiều kết quả xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Thời gian tới, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tiếp tục tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bảo đảm tiến độ, chất lượng. Xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đáp ứng tiến độ. Phấn đấu không để xảy ra tình trạng chậm trả kết quả thủ tục hành chính.
Triển khai đồng bộ các biện pháp để cải thiện chất lượng môi trường nước mặt; chất lượng môi trường không khí; triển khai các chương trình quan trắc môi trường quốc gia đối với môi trường không khí, đất và nước tại các lưu vực sông, các vùng kinh tế trọng điểm và các khu vực tập trung nhiều nguồn thải để cung cấp chuỗi dữ liệu phục vụ theo dõi, đánh giá hiện trạng và dự báo xu thế, diễn biến chất lượng môi trường; Mở rộng hợp tác song phương, đa phương với các đối tác quốc tế. Tổ chức triển khai hiệu quả các Dự án hợp tác đã ký kết. Hoàn thành việc đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa...
Lê An
Bình luận