Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ bảy, 24/09/2022 11:09
TMO - Nhằm triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, thời gian qua, Thành phố Đà Nẵng đã tăng cường huy động nguồn lực từ các dự án hợp tác quốc tế về lĩnh vực môi trường để hỗ trợ các địa phương, hội, đoàn thể thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030, Đà Nẵng ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát tốt chất lượng môi trường; phấn đấu đến năm 2025 đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái.
Địa phương đã tổ chức trao đổi kinh nghiệm cũng như học hỏi, vận động tài trợ để triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường; nhất là nội dung hợp tác quốc tế đã đi vào chiều sâu, như lồng ghép trong công tác đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Trong giai đoạn 2021- 2024, Đà Nẵng đã huy động hơn 70 tỷ đồng từ các dự án hợp tác quốc tế, qua đó cũng đã thiết lập được sự hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu từ các tổ chức đối tác trong và ngoài nước và các chuyên gia địa phương trong công tác triển khai các giải pháp, các sáng kiến về bảo vệ môi trường tại địa phương.
Trước những thách thức trong việc triển khai các mục tiêu của Đề án trên, TP Đà Nẵng đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Sở TN&MT thành phố cho biết, quá trình triển khai đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” thành phố đang đối diện với nhiều thách thức. Cụ thể, 3 tiêu chí chưa đánh giá được hoặc chưa đạt được theo mục tiêu đến năm 2020 (tỷ lệ các nhà máy kiểm soát ô nhiễm không khí; tỷ lệ chất lượng nước đạt yêu cầu tại các khu vực: sông, ven biển, hồ, nước ngầm (có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ); tỷ lệ tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp).
Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa tuân thủ các quy định, quy chuẩn dẫn đến tình trạng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoạt động chưa bảo đảm quy định về khoảng cách cách ly vệ sinh môi trường từ các cơ sở sản xuất với khu vực dân cư xung quanh; thiếu diện tích cây xanh; các trạm trung chuyển rác quy mô nhỏ, chưa đảm bảo nằm trong khu dân cư hay bãi chôn lấp vệ sinh Khánh Sơn.
Các công cụ quan trắc môi trường để dự báo và ngăn ngừa ô nhiễm chưa đáp ứng, phần lớn trang thiết bị quan trắc thủ công, thụ động; năng lực quan trắc môi trường tự động, ứng dụng công nghệ thông tin còn ở mức thấp; nhân lực quản lý môi trường các cấp, ngành chưa tương ứng với sự phát triển đô thị và những công tác quản lý chuyên ngành mới...
Do vậy, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong trao đổi kinh nghiệm, tận dụng hiệu quả các nguồn lực góp phần giúp địa phương nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu đề ra. Theo đó, thời gian qua hoạt động hợp tác quốc tế về môi trường được thành phố đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh; qua đó, đã huy động được nguồn lực từ dự án hợp tác quốc tế để hỗ trợ các địa phương, hội, đoàn thể thúc đẩy các hoạt động trong công tác bảo vệ môi trường và triển khai đề án “Xây dựng Đà Nằng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030.
Thành phố tiếp tục nâng cao hiệu quả từ các nguồn lực hỗ trợ của các chương trình quốc tế trong giảm thiểu rác thải nhựa
Thông tin từ Sở TN&MT thành phố cho biết: Số lượng các tổ chức đã viện trợ và đang đề xuất viện trợ cho Đà Nẵng trong giai đoạn 2021 - 2024 là hơn 10 tổ chức với hơn 13 chương trình, dự án, hoạt động viện trợ, gồm: Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR); Chương trình “Thành phố Sạch - Đại dương Xanh” (CCBO); Trung tâm Bảo tồn Sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD)...
Trước đó, tháng 11/2021, UBND thành phố đã phê duyệt tiếp nhận dự án “Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) tại TP. Đà Nẵng trong khuôn khổ chương trình hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất thải rắn đô thị của thành phố Yokohama (Nhật Bản) đến năm 2024” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với tổng kinh phí 15,63 tỷ đồng.
Hiện nay, thành phố đang triển khai dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” và dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ; dự án “Xây dựng mô hình thí điểm về quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang” với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ,...
Ngoài ra, TP. Đà Nẵng còn nhận được sự quan tâm, mời gọi của các mạng lưới khu vực, toàn cầu như mạng lưới “Thỏa thuận toàn cầu của các thị trưởng trong lĩnh vực khí hậu và năng lượng” (GCoM) do Liên minh châu Âu tài trợ trong giai đoạn 2021 - 2023. Hiện nay, thành phố đã ký cam kết tham gia mạng lưới GCoM.
Việc tham gia vào mạng lưới này sẽ tạo điều kiện để Đà Nẵng kết nối với các nguồn lực khác nhau nhằm thực hiện kế hoạch hành động biến đổi khí hậu, thu hút nhiều dự án mới về thích ứng biến đổi khí hậu, giúp tăng thêm nguồn lực bảo vệ môi trường cho thành phố. Bên cạnh đó, thành phố còn nhận được nhiều sự hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu, các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu từ các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước về lĩnh vực môi trường.
Hải Lan
Bình luận