Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 11:01
Thứ bảy, 18/01/2025 06:01
TMO - Trước tình trạng đặt bẫy, săn bắt động vật hoang dã quý hiếm trái phép, Vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã tích cực tăng cường, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng nhằm bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 sắp tới.
Cách thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) khoảng 30 km về hướng Tây Bắc, nằm trên địa phận 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray rộng hơn 56.000 ha, nằm trên địa bàn các huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi (Kon Tum), giáp Lào và Campuchia. Vườn có hơn 1.000 loài động vật, trong đó có 112 loài quý hiếm, đặc hữu. Vườn hiện có 34 loài động vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam, 37 loài được ghi trong sách đỏ thế giới. Nhiều động vật sinh trưởng khỏe mạnh ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray như: Sói đỏ, beo lửa, chà vá chân xám, gà tiền mặt đỏ…
Ngoài hàng trăm loại gỗ quý, vườn có 425 loại cây dược liệu có giá trị, trong đó 18 loại có trong danh mục sách đỏ cây thuốc Việt Nam. Với đặc điểm đa dạng sinh học và nhiều nguồn gen quý, năm 2004, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là di sản ASEAN. Lãnh đạo Vườn quốc gia Chư Mom Ray (gọi tắt vườn) cho biết, nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, ngoài các loại gỗ và dược liệu, vườn đang bảo tồn 1.001 loài động vật.
Trong đó, có nhiều động vật nguy cấp, quý hiếm cần phải bảo vệ nghiêm ngặt như bò tót, gấu ngựa, vọoc bạc, vọoc chà vá chân nâu, vọoc chà vá chân đen, vọoc chà vá chân xám… Đặc biệt, tại vườn có 6 loài linh trưởng, chiếm 30% tổng số loài thuộc bộ linh trưởng ở Việt Nam.
Hệ động vật được ghi nhận có 718 loài, gồm 115 loài động vật có vú, 275 loài chim, 41 loài bò sát, 108 loài các nước ngọt, 179 loài côn trùng. Trong đó có 124 loài quý hiếm có tên trong danh sách đỏ của Việt Nam và thế giới như: Bò tót, mang Trường Sơn, voi, gấu ngựa, beo lửa…Đây là nơi có tính đa dạng sinh học cao và có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học khu vực Đông Dương. Với các điều kiện về sinh cảnh, khí hậu, thuỷ văn cùng với hệ sinh thái rừng đặc trưng đã tạo ra môi trường lý tưởng cho hệ động vật sinh sống, trú ngụ. Do đó, để bảo vệ số thực vật, động vật quý hiếm, vườn liên tục tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi tuần tra.
Tuy nhiên, hiện tại, công tác quản lý, bảo vệ vườn cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi diện tích quản lý rộng, địa hình phức tạp, ranh giới vườn đa số là giáp ranh với các khu sản xuất và khu định cư của nhân dân, vì vậy sức ép tác động vào rừng rất lớn. Đặc biệt trong dịp Tết, công tác bảo vệ càng có nhiều khó khăn hơn do người dân lợi dụng Tết để đặt bẫy thú rừng trái phép. Vậy nên công tác bảo vệ, giám sát vườn càng được quan tâm và chú trọng.
Đồng thời, vườn thường xuyên tuyên truyền cho người dân trong khu vực không tham gia săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ…động vật hoang dã, trong đó có động vật quý hiếm. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, ai vi phạm sẽ bị xử lí nghiêm. Một số nhân viên của vườn cho biết, để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ động vật quý hiếm dịp Tết, họ phải di chuyển trong rừng sâu, địa hình rất phức tạp, nhiều chỗ trơn trượt.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ Vườn quốc gia Chư Mom Ray tháo bẫy thú rừng. (Ảnh minh hoạ: ĐN).
Có năm phải đón giao thừa trong rừng nhưng ai cũng giữ vững ý chí phải ngăn chặn triệt để các hành vi xâm hại đến rừng và động vật hoang dã. Nhiều năm túc trực trong rừng để bảo vệ động vật quý hiếm, đại diện Trạm Bảo vệ rừng Bar Gok trực thuộc vườn chia sẻ, việc đón Tết trong rừng sâu đối với lực lượng bảo vệ rừng và động vật của Vườn là thường xuyên. Tại các chốt bảo vệ, những ngày Tết phải sẵn sàng 100% quân số. Dịp Tết là lúc người dân hay vào rừng săn bắt, đặt bẫy động vật hoang dã, trong đó có động vật quý hiếm.
Bởi vậy, lực lượng bảo vệ rừng phải thay nhau túc trực cả ngày và đêm tại các chốt trong rừng để bảo vệ động vật. Các cán bộ, nhân viên luôn khích lệ nhau làm tốt nhiệm vụ. Do nhiều người dân địa phương lợi dụng dịp Tết để vào rừng săn bắt động vật. Có năm, đúng lúc giao thừa phát hiện có người mang phương tiện vào rừng săn bắt động vật.
Ngay lập tức tất cả cán bộ, nhân viên tại các chốt bảo vệ của vườn phải “lao vào rừng”, tập trung dựng rào chắn, barie. Sau đó, phát thông báo vận động người có ý định săn bắt động vật hoang dã lập tức ra khỏi rừng, nếu không sẽ bị xử lý nghiêm.
Hiện nay, bên cạnh việc tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát người ra vào rừng và ngăn chặn các hành vi bẫy thú rừng hoang dã, dể bảo vệ số lượng động vật này, ngoài bố trí cán bộ, nhân viên tuần tra thường xuyên, vườn còn thiết lập hệ thống camera tự động để giám sát kẻ xấu xâm nhập vào khu vực động vật sinh sống.
Vấn đề nan giải hiện nay là rất nhiều kẻ xấu thường xuyên đặt bẫy động vật quanh vườn quốc gia hoặc lẻn vào vườn để đặt bẫy. Loại bẫy được các đối tượng sử dụng rất đa dạng như bẫy lưới, bẫy dây để bẫy động vật nhỏ, bẫy cạp bằng sắt dùng bẫy động vật to. Thông qua tuần tra, kiểm soát, trong năm 2023 lực lượng bảo vệ rừng của vườn thu được hơn 16.000 chiếc bẫy động vật. Riêng trong năm 2024 đã thu hơn 2.000 chiếc bẫy động vật. Cùng với việc phá bẫy, thông qua hình ảnh rõ nét ghi nhận được từ camera, vườn đã chuyển thông tin nhiều đối tượng chuyên bẫy động vật quý hiếm cho công an xử lý.
Trong giai đoạn 2021-2025, Vườn quốc gia Chư Mom Ray bên cạnh việc bảo vệ chặt chẽ hệ động/thực vật, đặc biệt là những loài động vật hoang dã, quý hiếm, vườn sẽ tận dụng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng đã có để phát triển du lịch sinh thái, bao gồm các cơ sở hạ tầng tại Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái, hệ thống đường giao thông nội bộ, các trạm bảo vệ rừng (sẽ nâng cấp thành các điểm dừng chân cho du khách).
Đối với 2 điểm du lịch rừng khộp và Safari Ya Book sẽ được đầu tư các công trình thuyết minh điểm du lịch theo định hướng gần gũi với thiên nhiên, tuân thủ theo Luật Lâm nghiệp và các quy định có liên quan từ đó dễ dàng tiếp cận với các điểm du lịch, điểm tham quan tạo điều kiện thu hút du khách tới với vườn.
Xuân Thuỷ
Bình luận