Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ hai, 29/08/2022 13:08
TMO - Quảng Ninh là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh về công nghiệp, du lịch, đô thị hoá... Việc phát triển nhanh của một số ngành kinh tế đã tạo ra nguồn thải lớn, đòi hỏi địa phương cần quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư hiện đại hóa hệ thống 148 trạm quan trắc môi trường tự động kết nối về sở Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, cải tạo, phục hồi môi trường thông qua những hoạt động cụ thể, thiết thực như: Thực hiện kiểm kê, bảo vệ khoảng 122.656ha rừng tự nhiên, 19.686ha rừng ngập mặn, 850ha cỏ biển, 140 rạn san hô.
Trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ dần đóng cửa các mỏ khai thác đá và khai thác than lộ thiên. Lộ trình này sẽ góp phần vào mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”của tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 22 khu vực mỏ đá vôi được cấp phép khai thác. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép 6 khu vực mỏ đá, UBND tỉnh cấp phép khai thác 16 khu vực mỏ đá.
Theo kế hoạch đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ chấm dứt hoạt động khai thác mỏ đá làm VLXD thông thường để bảo vệ môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường đã gửi thông báo đến các doanh nghiệp có hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh về lộ trình khai thác, cải tạo môi trường, đóng cửa mỏ theo đúng lộ trình. Ngoài ra, hướng dẫn các đơn vị ký quỹ phục hồi môi trường theo cam kết trong các phương án, cải tạo phục hồi môi trường được phê duyệt.
Hiện nay, hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống dân sinh. Để kiểm soát công tác bảo vệ môi trường, tỉnh yêu cầu các khu, cụm công nghiệp đầu tư, vận hành thiết bị quan trắc môi trường, hệ thống thu gom nước thải, chất thải đến vận hành, xử lý xả ra môi trường.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan xây dựng được phương án phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường. Các nhà máy xi măng, nhiệt điện đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, hệ thống phun sương, thiết bị kiểm soát bụi, khí thải để làm giảm đến mức thấp nhất lượng bụi phát tán vào môi trường.
Các doanh nghiệp ngành than tích cực đổi mới công nghệ khai thác, trồng cây cải tạo phục hồi môi trường, cải tạo các công trình đê, đập chắn ngăn ngừa trôi lấp đất đá, nạo vét hệ thống thoát nước, lắp đặt các công trình giảm thiểu bụi, tiếng ồn quá trình vận chuyển, sàng tuyển.
Với bờ biển dài trên 250km, 40.000ha bãi triều, trên 2000 đảo lớn nhỏ,... là lợi thế lớn để Quảng Ninh phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện. Nhằm khai thác bền vững kinh tế biển, địa phương này đặc biệt chú trọng triển khai các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Hiện nay, tỉnh đang duy trì mạng điểm quan trắc hiện trạng môi trường của tỉnh đối với nước biển ven bờ có 99 vị trí quan trắc định kỳ chủ động và 07 trạm quan trắc tự động; đối với môi trường trầm tích có 44 vị trí quan trắc định kỳ.
Tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh việc chuyển đổi, thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường. Ảnh: Việt Hoa
Nhằm giảm thiểu những tác động tới chất lượng nguồn nước trong hoạt động nuôi trồng thủy hải sản sử dụng các lồng bè, giàn nuôi bằng phao xốp, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu xoá phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản, thay thế bằng phao nhựa HDPE trong năm nay.
Theo kế hoạch chậm nhất đến năm 2022 các địa phương hoàn thành sắp xếp các khu vực nuôi biển tập trung theo quy hoạch, đồng thời thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường. Mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh đặt ra là hoàn thành chuyển đổi trên 3 triệu phao xốp sang phao HDPE.
Với nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, tỉnh Quảng Ninh cũng đồng thời triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch bền vững. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường đối với hoạt động du lịch biển, đảo trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi ứng xử bảo vệ môi trường của các đối tượng có liên quan trong hoạt động du lịch biển, đảo trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đến công tác thu gom, xử lý rác thải nhựa trong hoạt động du lịch. Ảnh: Nguyễn Hùng
Theo đó, mọi hoạt động du lịch trong khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, các xã đảo và các đảo trên địa bàn tỉnh không vi phạm các điều cấm tại Luật Bảo vệ môi trường; Luật Đa dạng sinh học; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Du lịch và các quy định pháp luật khác về bảo vệ môi trường.
Khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường, du lịch cộng đồng trên cơ sở không làm ảnh hường đến các hệ sinh thái và tài nguyên rừng, biển, góp phần tích cực vào nỗ lực giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với du lịch.
Thời gian qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cần sớm tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh thành lập khu bảo tồn thiên nhiên cho vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long và xây dựng đề án bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững Vịnh Hạ Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng Cô Tô thành huyện đảo không rác thải nhựa, từ ngày 1/9, Cô Tô sẽ thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi ny-lon, các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch tại Cô Tô; đồng thời, kêu gọi mỗi người dân trên đảo nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể, thiết thực.
Những năm trở lại đây, sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp, hoạt động kinh tế biển giữ vai trò quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế chung tai tỉnh Quảng Ninh. Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng, các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường.
Thanh Nga
Bình luận