Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 06:11
Thứ năm, 13/10/2022 11:10
TMO - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở cuối hạ lưu sông Mêcông, có diện tích 43.266 km2, trong đó có 2.450 km2 mặt nước sông kênh rạch, và dân số là 17.273.630 người (2019), chiếm 13,06% về diện tích và 17,94% dân số Việt Nam.
ĐBSCL là vùng nông nghiệp quan trọng nhất cả nước, cung cấp trên 55% sản lượng lúa và hơn 95% kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thập kỷ qua. Trong các năm gần đây ĐBSCL đóng góp khoảng 70% sản lượng trái cây, 56% sản lượng thủy sản đánh bắt và 70% sản lượng thủy sản nuôi của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay đây là vùng còn hạn chế phát triển, thu nhập bình quân theo đầu người thấp xa các vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ di dân (xuất cư) cao nhất nước. Ngoài các nguyên nhân: hạn chế đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, nông thôn, du lịch và trình độ văn hóa, khoa học công nghệ…các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu (BĐKH) làm gia tăng khô hạn, nhất là gia tăng nước biển dâng (NBD) dẫn đến gia tăng xâm nhập mặn, ngập nước biển đang và sẽ là các nguyên nhân quan trọng và lâu dài gây trở ngại cho phát triển bền vững vùng đất này. Các tác động này càng nghiêm trọng đến môi trường và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của vùng khi kết hợp với sự suy giảm dòng chảy và phù sa sông Mêcông do phát triển các công trình thủy điện ở các quốc gia thượng lưu. Nhằm đảm bảo vùng ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng BĐKH và hạn chế tác động từ thượng lưu trong 3 năm 2019 – 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã chủ trì lập Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để có cơ sở khoa học và thực tiễn đánh giá diễn biến BĐKH, các hậu quả do BĐKH đối với môi trường, phát triển KT-XH vùng ĐBSCL và đề xuất các phương hướng, giải pháp ứng phó và thích ứng các phương pháp sau đã được áp dụng.
Phần lớn các tài liệu, báo cáo khoa học về BĐKH và hậu quả đối với ĐBSCL, bao gồm cả các kịch bản về BĐKH, NBD cho Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cập nhật năm 2020, các báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC), Ủy hội sông Mêcông (MRC), và các nghiên cứu của các viện, tác giả trong, ngoài nước từ năm 2010 đến 2020 đã được thu thập và phân tích. Để đảm bảo các thông tin, nhận định về hậu quả do NBD, xâm nhập mặn và đề xuất các giải pháp ứng phó và thích ứng phù hợp với ĐBSCL trong quá trình nghiên cứu chúng tôi đã áp dụng rộng rãi phương pháp tham vấn qua 3 hội thảo lớn do Bộ KH&ĐT tổ chức ở nhiều tỉnh, thành phố với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, viện, trường, chuyên gia môi trường, thủy lợi, KT-XH. Ngoài ra, 3 cuộc hội thảo chuyên đề về ĐMC, trong đó có các vấn đề môi trường chính và BĐKH với các chuyên gia cũng đã được tổ chức. Các ý kiến trong các hội thảo đã được tiếp thu về diễn biến BĐKH, NBD và các giải pháp giảm thiểu.
Từ kết quả thu thập, phân tích số liệu và tham vấn có thể nêu tóm tắt một số vấn đề về xu hướng NBD và các giải pháp thích ứng ở ĐBSCL như sau.
Thứ nhất, Kịch bản Biến đổi khí hậu, Phiên bản cập nhật năm 2020 đã nêu diễn biến nhiệt độ, diễn biến mưa các khu vực trong toàn quốc. Tuy nhiên trong bài này chúng tôi chỉ nêu tóm tắt các kịch bản về NBD và hậu quả đối với vùng ĐBSCL.
Kịch bản nước biển dâng theo các kịch bản RCP cho khu vực Biển Đôn (Đơn vị: cm). Nguồn: Trích từ “Kịch bản Biến đổi khí hậu, Phiên bản cập nhật năm 2020”, Bộ TN&MT.
Tại khu vực Biển Đông: Theo kịch bản RCP 4.5; Vào giữa Thế kỷ 21: mực nước biển dâng 23cm (14÷33), cuối Thế kỷ 21: mực nước biển dâng 55cm (34÷81). Theo kịch bản RCP8.5: Vào giữa thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng 28cm (20 ÷ 37), đến cuối Thế kỷ 21, mực nước biển dâng 77cm (51÷106).
Gia tăng mực nước biển dâng do BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất đối với các tỉnh ven biển, nhất là vùng ĐBSCL. ĐBSCL là khu vực có nguy cơ ngập nước biển cao nhất cả nước. Bảng 2 dưới đây cho thấy: Nếu mực nước biển dâng 100 cm, sẽ có khoảng 47,29% diện tích toàn vùng có nguy cơ bị ngập, trong đó các tỉnh có tỷ lệ ngập lớn nhất là: Cần Thơ (55,82%), Hậu Giang (60,85%), Bạc Liêu (61,87%), Kiên Giang (75,68%), Cà Mau (79,62%).
Bản đồ nguy cơ ngập ứng với mực nước biển dâng 100 cm, Vùng ĐBSCL. Nguồn: Trích từ “Kịch bản Biến đổi khí hậu, Phiên bản cập nhật năm 2020”, Bộ TN&MT.
Như vậy, theo các Kịch bản RCP4.5, RCP8.5 (Bảng 1 ở trên) NBD có thể đạt 0,5m vào cuối TK21 và 1,0m sau năm 2100, trong khi Quy hoạch Vùng ĐBSCL chỉ đến năm 2050, khi đó độ ngập chỉ khoảng 20-37cm (theo Kịch bản RCP8.5, Bảng 1). Vì vậy, vùng bị ngập vào năm 2050 sẽ nhỏ hơn nhiều so với Bảng 2 và Hình 1 ở trên.
Tuy nhiên, NBD càng sẽ vấn đề nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long do kết hợp bởi sụt lún đất. Một nghiên cứu về sụt lún đất do INDRA-GISAT (2019) thực hiện dựa trên dữ liệu vệ tinh InSAR cho thấy các khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ sụt lún đất khác nhau: Trong giai đoạn 2014-2019 ở một số vị trí, tỷ lệ sụt lún đất trên 3 cm/năm, có nơi sụt lún đến 5 cm/năm. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ sụt lún được đo đạc và mô hình hóa trước đây do khai thác nước ngầm và cao hơn 10 lần so với tốc độ nước biển dâng trung bình hàng năm hiện nay.
Bản đồ nguy cơ ngập úng với mực nước biển dâng 100 cm vùng ĐBSCL. Nguồn: Trích từ “Kịch bản Biến đổi khí hậu, Phiên bản cập nhật năm 2020”, Bộ TN&MT.
Ngoài ra, cùng với gia tăng mức độ ngập, việc dâng cao mực nước biển sẽ gia tăng mạnh hiện tượng xâm nhập mặn vào các dòng chính và kênh rạch, gây mặn hóa nước, đất, thay đổi tính chất của hệ sinh thái tự nhiên của vùng và ảnh hưởng xấu đến cấp nước ngọt cho sinh hoạt, nông nghiệp, dịch vụ.
Thứ hai, Nước biển dâng đang và sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng về môi trường và phát triển KT-XH đối với ĐBSCL. Một số tác động chính được tóm tắt dưới đây. Do địa hình thấp, bằng phẳng và ảnh hưởng triều cao vào các tháng trong mùa khô với lưu lượng các sông thấp xâm nhập mặn vào sâu trong cửa sông và vào các kênh rạch nội địa ĐBSCL. Đây là vùng bị xâm nhập mặn lớn và nghiêm trọng nhất cả nước. Xâm nhập mặn càng gia tăng do tác động ngày càng tăng của BĐKH và nước biển dâng. Ranh giới độ mặn 4%o (g/L) vào sâu nội địa đến 50 - 55km theo sông Tiền và 40 - 45km theo sông Hậu; phần lớn sông kênh ở bán đảo Cà Mau có độ mặn quanh năm trên 10%0. Hình 2 dưới đây cho thấy diễn biến xâm nhập mặn vào mùa khô ở ĐBSCL từ 1998 - 2016 và năm 2020 (qua đường đẳng mặn 4%0: Độ mặn tối đa cho canh tác lúa).
Sơ đồ xâm nhập mặn vào mùa khô ở ĐBSCL giai đoạn 1998-2016. Nguồn: Royal Haskoning DHV - GIZ, MDIRP, Baseline Report, 2020.
Trong các năm gần đây xâm nhập mặn trong mùa khô 2015 - 2016 cao hơn các năm trước. Tuy nhiên trong năm 2020 xâm nhập mặn còn tăng cao hơn: Tổng lượng dòng chảy tới vùng ĐBSCL qua hai trạm thủy văn Tân Châu và Châu Đốc bị sụt giảm tới 13% so với trung bình nhiều năm và thấp hơn tổng lượng dòng chảy tháng 2/2016 khoảng 5% nên xâm nhập mặn trong tháng 3/2020 tăng mạnh. Kết hợp với xu hướng nước biển dâng ngày càng cao mức độ xâm nhập mặn vào các sông ngày càng lớn, diện tích đất nhiễm mặn ngày càng tăng. Cụ thể, với ranh mặn 4g/L tại các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây với phạm vi ảnh hưởng sâu từ 95-100 km, sâu hơn trung bình nhiều năm lớn nhất từ 15-20 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4 - 6 km so với mức sâu nhất năm 2016 (năm có mức hạn, mặn cao nhất từ trước đến nay). Sông Cổ Chiên có phạm vi ảnh hưởng khoảng 68 km, sâu hơn trung bình nhiều năm lớn nhất 24 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 3 km, sâu hơn khoảng 3km so với mức sâu nhất năm 2016. Sông Hậu có phạm vi ảnh hưởng sâu khoảng 66 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 6 km, sâu hơn khoảng 6 km so với mức sâu nhất năm 2016.
Mặn hóa môi trường nước và đất đai đang và sẽ dẫn đến thiếu nước ngọt cho sinh hoạt: gây tăng chi phí cấp nước, gia tăng khai thác nước dưới đất dẫn tới cạn kiệt nguồn nước này và tăng nhanh quá trình sụt lún đất; Sụt lún đất là vấn đề nghiêm trọng của ĐBSCL (đã nêu trong Mục 3.1 ở trên); Thiếu nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản nước ngọt, công nghiệp, dịch vụ….gây suy giảm các ngành này, ảnh hưởng xấu đến thu nhập, văn hóa, xã hội; gia tăng nghèo khó, dẫn đến gia tăng di dân (xuất cư) và làm ĐBSCL tụt hậu về mọi mặt so với nhiều vùng trong nước; Gia tăng xâm nhập mặn tác động đến hầu như toàn bộ vùng quy hoạch tôm nước lợ. Những vùng nuôi thủy sản ở ven biển Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang chịu ảnh hưởng nhiều nhất, có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ các quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển (Minh chứng: Năm 2015, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại khoảng 3.771 ha, riêng Cà Mau chiếm khoảng 2.700 ha. Một số địa phương có nhiều mô hình được đánh giá là bền vững như tôm - lúa, tôm quảng canh, quảng canh cải tiến cũng bị thiệt hại nặng do tăng độ mặn).
Mặn hóa đất đai: gây giảm năng suất cây trồng, tăng chi phí sản xuất, giảm thu nhập; Tăng chi phí, đầu tư cho các công trình “kiểm soát mặn” hiện nay đã được đầu tư rất lớn ở ĐBSCL và sẽ còn tăng chi phí cho các công trình này trong nhiều thập kỷ tới; Hư hỏng công trình, thiết bị do môi trường mặn…Tích hợp các tác động tiêu cực trên: ĐBSCL sẽ khó đạt các mục tiêu phát triển do Quy hoạch vùng đề xuất đã được Chính phủ phê duyệt, hậu quả sẽ là tụt hậu so với nhiều vùng kinh tế khác.
Bài tiếp: ĐBSCL: Giải pháp giảm nhẹ và thích ứng an toàn với nước biển dâng, xâm nhập mặn (Bài 2)
Nhóm tác giả: (PGS. TS Lê Trình - Koos Neefjes)
Bình luận