Hotline: 0941068156
Thứ năm, 05/12/2024 02:12
Thứ sáu, 26/11/2021 16:11
TMO - Đường làng, ngõ xóm phong quang, những ngôi nhà xây mái thái, nhà vườn, xen lẫn với nhà sàn, vườn cây, ao cá ngăn nắp, đường thôn bê tông phẳng lỳ, đi lại thuận tiện... Đó là phong cảnh ở thôn Đồng Ca, xã Nhân Mục, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Mảnh đất xóm núi có 106 nóc nhà người Tày sinh sống, lọt trong thung lũng xanh của rừng keo, cây trái, cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Đây chính là kết quả của “sức bật” nông thôn mới nơi đây.
Diện mạo mới
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Nhân Mục, thôn Đồng Ca triển khai đầu tư xây dựng các công trình công cộng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Con đường liên thôn trước đây đi lại khó khăn gập ghềnh đất đá, giờ đã được thay bằng còn đường bê tông gần 2.000m.
Bà Ma Thị Thừa kể: “Tuyến đường này, trước khó đi lắm, mỗi lần mưa lầy lội qua mắt cá chân. Hôm nay thì sạch sẽ như đường phố. Ngày làm đường, người dân cả thôn, người thì dao, người thì cuốc san ủi mặt bằng, hiến đất để đường đủ rộng 3 m. Nhà nhà bảo nhau góp sức, góp của. Đường hoàn thành trong niềm phấn khởi cả thôn, người dân càng ngày càng thấy được hiệu quả của sự thuận lợi khi có đường giao thông tốt. Cái thấy ngay khi có đường là con cháu đi học không lo mưa nắng, hàng hóa nông sản không lo ép giá...”.
Một góc thôn Đồng Ca, xã Nhân Mục (Hàm Yên)
Không chỉ đường giao thông, nhà văn hóa thôn khang trang mà đường nội đồng, kênh mương cũng được kiên cố. Ông Mạc Kim Thùy, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Ca nhớ lại, năm 2017, thôn kiên cố hóa 205m kênh mương nội đồng và bê tông hóa 570m đường giao thông nội đồng. Các hộ đều thống nhất mỗi hộ đóng góp 370 nghìn đồng, đồng thời đóng góp ít nhất 2 ngày công lao động, 1 tấm cốt pha, cọc ghim. Các mức đóng góp này đều được ghi cụ thể trong biên bản họp thôn, được các hộ biểu quyết thông qua.
Bà Hứa Thị Dối, người dân trong thôn cho biết: “Trước khi triển khai làm đường, tôi được dự các cuộc họp thôn, được cán bộ thôn phổ biến về cơ chế hỗ trợ của Nhà nước và trách nhiệm của người dân. Đồng thời được cùng các hộ khác bàn bạc mức đóng góp; bầu các thành viên trong tổ quản lý, tổ giám sát, tổ kỹ thuật. Làm xong tuyến kênh mương, tôi cũng được biết các khoản mình đóng góp được chi vào những việc gì”.
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, Đồng Ca đã huy động được sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong thực hiện kiên cố hóa các công trình ở thôn, đáp ứng chính nhu cầu thiết thực của người dân. Có đường tốt, người dân có động lực kiên cố nhà cửa khang trang. Anh Mạc Văn Khanh có ngôi nhà vườn mới xây dựng khoảng 800 triệu đồng từ tiền vợ chồng anh tích cóp từ làm kinh tế rừng, làm nghề phụ hồ những năm qua. Anh bảo, ngôi nhà là mơ ước của vợ chồng anh, đường sá đẹp cũng muốn nhà cửa đàng hoàng. Nghĩ vậy nên vợ chồng bảo nhau cố gắng. Vậy là cũng làm được. Mừng lắm!
Ngoài những ngôi nhà xây hiện đại, thì nhà sàn được người Tày ở đây lưu giữ. Bà Ma Thị Thừa tâm sự, cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng người có tuổi như bà vẫn thích ở nhà sàn, bởi nhà sàn là nét văn hóa của người Tày. Qua cách bài trí có thể biết được nền nếp của gia đình. Vì thế, gia đình bà vẫn giữ nếp nhà sàn truyền thống, chỉ cải tiến theo hướng hiện đại, có thêm một gian trái để làm bếp, khu vệ sinh hợp lý. Tầng dưới được tôn cao hơn so với nhà sàn cũ để sử dụng nhiều mục đích khác nhau. Hiện đại xen lẫn với truyền thống tạo cho Đồng Ca nét đẹp hồn hậu của vùng quê miền núi đổi mới.
Đổi mới tư duy làm kinh tế
Về Đồng Ca hôm nay, ngoài sự cảm nhận về sự thay đổi về diện mạo, còn cảm nhận được sự đổi mới trong tư duy làm kinh tế của người dân. Kinh tế chủ lực ở Đồng Ca là nông lâm nghiệp gắn với chăn nuôi nhưng với cách đa dạng hóa cây trồng, nuôi con lợi thế đã cho người dân ở đây nguồn thu ổn định góp phần giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên chính đồng đất quê hương.
Ông Hoàng Văn Phú, người năng động trong chuyển đổi cây trồng ở thôn. Hiện ngoài trồng 4ha rừng keo, ông còn trồng 6 sào cây phật thủ trên đất ruộng cạn, 5 sào cam V2 trên vườn đồi. Ông Phú bảo, làm gì cứ tâm huyết, say mê kiểu gì cũng được. Như cây phật thủ, lâu nay bà con quan niệm trồng cây này đem lại niềm vui bởi phật thủ là loại quả mang lại sự may mắn, thuận lợi, xua đuổi tà ma và đã trở thành loại trái cây quen thuộc được nhiều người tiêu dùng lựa chọn để thờ, lễ trên mâm ngũ quả. Đến mùa, những quả phật thủ như những bàn tay xòe ra đón mình, ra thăm vườn tự nhiên lòng thấy vui đến lạ.
Phật thủ có số “ngón” càng nhiều, các múi phân bổ đều, cân xứng thì giá càng cao. Với loại quả to, dáng độc lạ giá có thể lên vài trăm nghìn, nên dù không nhiều, trừ chi phí cũng được 80 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, cây phật thủ chỉ được 7 năm là tàn. Vì thích trồng phật thủ, ông đã đi tìm tòi, học hỏi để trồng phật thủ ghép trên gốc bưởi Kỳ Đà (một trong những giống bưởi có thân to) để kéo dài tuổi thọ cho cây phật thủ.
Hiện vườn phật thủ của ông đang khép tán, hứa hẹn ra bói vào cuối năm. Còn 300 gốc cam V2 vừa trồng cuối năm 2020 trên đất vườn đồi đang lên tốt. Hy vọng sẽ là hướng phát triển kinh tế của gia đình. Ông Phú chia sẻ, không thể làm kinh tế theo tư duy cũ được nữa, mình phải trồng những gì thị trường đón nhận và sản phẩm của mình cũng phải tốt và an toàn thì mới phát triển được.
Không chỉ người dân sinh ra và lớn lên trên đất Đồng Ca, mà cả những hộ dân tái định cư từ Na Hang về cũng đã bắt nhịp với cuộc sống mới với tư duy mới. Vợ chồng chị Hoàng Thị Hồng và Hoàng Văn Hiển ổn định cuộc sống trên quê hương mới tại Đồng Ca. Từ những khó khăn bỡ ngỡ bước đầu rời bản Nà Giàng, xã Xuân Tân (Na Hang) chuyển về tái định cư, đến nay gia đình chị Hồng đã có cuộc sống ổn định. Với 5 sào ruộng và diện tích đất vườn đồi, đất ở được bố trí tái định cư, anh chị được giúp đỡ về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi.
Chị Hồng bảo, đã gắn bó với cuộc sống mới rồi, chồng chị cùng người dân trong thôn khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng, chị ở nhà chăn trâu nhốt chuồng, bán hàng tạp hóa. Chị tiếc, đàn trâu nơi quê cũ đã bán vì sợ nơi ở mới không có chỗ thả, chứ nghĩ đâu ra nuôi trâu nhốt chuồng như giờ. Nếu biết cách nuôi này, cả 19 hộ về đây đã đem theo nuôi, giờ hộ nào cũng nuôi trâu nhốt nhưng chỉ 2 - 3 con thôi vì ít vốn, nhưng hiệu quả kinh tế còn hơn xưa chăn thả trong rừng.
“Ở Đồng Ca, người dân đã năng động hơn trước nhiều, ruộng cạn không cấy được thì trồng thanh long ruột đỏ; trâu không chăn thả dông nữa mà nuôi nhốt chuồng, vỗ béo kết hợp trồng cỏ và trồng ngô đông trên đất ruộng 2 vụ lúa để ủ làm thức ăn chua. Hiện thôn có trên 10ha cây ăn quả, 300 con trâu và trên 90ha đất rừng trồng keo. Lớp trẻ đi làm công ty, nghề phụ… Chính vì thế, kinh tế của các hộ khá ổn định, hộ nghèo của thôn giảm chỉ còn 3 hộ; số hộ khá giàu trên 50%. Cuộc sống đang đổi mới từng ngày”, Trưởng thôn Mạc Văn Luân phấn khởi cho biết./.
Trang Tâm
Bình luận