Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ hai, 23/10/2023 08:10
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo sửa đổi 47 điều/169 điều của Nghị định, trong đó sửa đổi 01/03 điều tại Chương I; sửa đổi 03/18 điều tại Chương II; sửa đổi 08/11 điều tại Chương III; sửa đổi 08/23 điều tại Chương IV; sửa đổi 06/21 điều tại chương V; sửa đổi 10/12 điều tại chương VI; sửa đổi 03/10 điều tại chương VII; sửa đổi 01/13 điều tại chương IX; sửa đổi 01/30 điều tại chương X; sửa đổi 03/09 điều tại chương XI; sửa đổi 02/07 điều tại chương XII; sửa đổi 01/03 điều tại chương XIII; sửa đổi 16/34 phụ lục của Nghị định 08/2022/ NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
Theo cơ quan chủ trì, mục đích xây dựng Nghị định sửa đổi nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc phân quyền cho các địa phương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT); tạo điều kiện thuận lợi hơn khi triển khai các chính sách mới của Luật BVMT; bảo đảm đồng bộ giữa các quy định của pháp luật về BVMT.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung Phụ lục II: Điều chỉnh tên loại hình sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử theo hướng: chỉ áp dụng cho các dự án có một trong các công đoạn gây ô nhiễm; đồng thời quy định rõ đơn vị tính số lượng áp dụng cho sản xuất linh kiện điện tử, khối lượng áp dụng cho sản xuất thiết bị điện và nâng mức công suất so với quy định hiện hành, qua đó sẽ giảm đối tượng phải thực hiện ĐTM. Ngoài ra, chỉnh lý, làm rõ hơn tên một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi hơn khi tra cứu.
Sửa đổi, bổ sung Phụ lục IV: Bổ sung quy định cận dưới của diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên (từ 03 ha trở lên); diện tích sử dụng từ 0,2 ha trở lên đối với rừng tự nhiên, từ 0,2 ha trở lên đối với rừng phòng hộ, từ 0,5 ha trở lên đối với vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới, vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển, vùng đệm của khu bảo tồn, từ 0,2 ha trở lên đối với vùng đất ngập nước quan trọng; diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất có mặt nước của rừng tự nhiên (từ 0,1 ha trở lên) và rừng phòng hộ (từ 0,1 ha trở lên). Qua đó sẽ giảm đối tượng phải thực hiện ĐTM.
Bổ sung mức tối thiểu của quy mô khai thác nước ngầm và nước mặt phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện ĐTM (đề xuất từ 100 m3 /ngày trở lên đối với nước ngầm và từ 5.000 m3/ngày đêm trở lên đối với nước mặt mới phải thực hiện ĐTM, thay cho việc dẫn chiếu áp dụng quy định của Luật Tài nguyên nước là từ 10 m3 /ngày đối với nước ngầm và từ 100 m3 /ngày đối với nước mặt trở lên như hiện nay).
Mức tối thiểu của quy mô khai thác nước ngầm và nước mặt phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện ĐTM được sửa đổi trong dự thảo trên.
Sửa đổi, bổ sung Điều 3: Bổ sung giải thích từ ngữ về đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải cấp giấy phép môi trường (không bao gồm dịch vụ hành chính công), qua đó sẽ giảm đối tượng cấp giấy phép môi trường (GPMT) là trụ sở các cơ quan. Sửa đổi quy định về các trường hợp cơ sở đang hoạt động phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cấp lại, điều chỉnh GPMT theo hướng: tăng từ 30% quy mô, công suất trở lên mới phải thực hiện ĐTM; tăng từ 5 đến dưới 30% phải cấp lại GPMT (không phải ĐTM); tăng dưới 5% chỉ phải điều chỉnh GPMT.
Đối với quy định về yếu tố nhạy cảm về môi trường, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung Điều 25, trong đó quy định rõ tên đơn vị hành chính là khu dân cư tập trung và bổ sung quy định không áp dụng yếu tố nhạy cảm về môi trường là tiêu chí nội thành, nội thị đối với trường hợp dự án thứ cấp mà không phát sinh bụi, khí thải phải xử lý; đồng thời quy định cụ thể chỉ trường hợp dự án xả nước thải vào nguồn nước mặt phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt không qua đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu vực mới là các yếu tố nhạy cảm về môi trường.
Dự thảo Nghị định đã sửa đổi quy định về báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường cho 3 đối tượng thay vì 5 đối tượng như hiện nay (dự án nhóm III và cơ sở đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương với dự án nhóm III được lồng ghép chung với đối tượng khác). Đồng thời, sửa đổi quy định cụ thể hơn về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư mở rộng, các dự án đầu tư, cơ sở có cùng địa điểm, các dự án đầu tư sát nhập/chia tách; bổ sung quy định về việc quan trắc chất thải sau xử lý trước khi xả thải ra môi trường trong quá trình kiểm tra cấp giấy phép môi trường đối với cơ sở.
Thay đổi phương thức thẩm định cấp giấy phép môi trường theo hướng thành lập đoàn kiểm tra đối với đối tượng đã đánh giá tác động môi trường nhưng có thay đổi so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thành lập Hội đồng thẩm định đối với trường hợp còn lại; bổ sung thời hạn tối đa để chủ dự án đầu tư, cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường và gửi cơ quan cấp phép (12 tháng kể từ ngày có văn bản yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung của cơ quan cấp giấy phép môi trường).
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định về tham vấn trong đánh giá tác động môi trường. Theo đó, đối tượng được tham vấn là cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra, bao gồm: Cộng đồng dân cư, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại khu vực đất, mặt nước, đất có mặt nước, khu vực biển bị chiếm dụng cho việc đầu tư dự án; cộng đồng dân cư, cá nhân nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, chất thải rắn, chất thải nguy hại do dự án gây ra; cộng đồng dân cư, cá nhân bị ảnh hưởng do các hiện tượng sụt lún, sạt lở, bồi lắng bờ sông, bờ biển gây ra bởi dự án; cộng đồng dân cư, cá nhân bị tác động khác, được xác định thông qua quá trình đánh giá tác động môi trường.
Thu Trang
Bình luận