Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ sáu, 20/12/2024 06:12
TMO - Hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới và ngay cả Việt Nam đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ sinh vật gây hại. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV cần đúng cách, đúng quy định và thời gian cách ly thì mới sản xuất được nông sản sạch phục vụ trong nước cũng như xuất khẩu, đồng thời bảo vệ môi trường an toàn, bền vững.
Thuốc BVTV được xem là vật tư quan trọng, không thể thiếu trong phòng trừ dịch hại cây trồng; ngăn chặn, khống chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại và dập tắt các đợt bùng phát dịch hại cây trồng nhanh chóng và kịp thời. Góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, tăng cường hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ tiên quyết và ưu tiên của Cục Bảo vệ thực vật.
Trong thời gian qua, Cục đã phối hợp với chính quyền các cấp và mạng lưới đối tác trong ngành BVTV xây dựng nhiều chương trình hành động, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về việc sử dụng an toàn và hiệu quả các vật tư nông nghiệp, trong đó bao gồm cả thuốc BVTV.
Sau 3 năm triển khai, sự tham gia và phản hồi tích cực của nông dân - đối tượng tiếp cận và hưởng lợi trực tiếp từ các lớp tập huấn, đã cho thấy hiệu quả và một số tác động bước đầu của chương trình, qua đó đề cao tầm quan trọng của hợp tác công - tư trong quá trình nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hành canh tác an toàn. Điều này nhằm tối đa hóa lợi ích, công dụng của sản phẩm cũng như giảm thiểu mọi rủi ro có thể có đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường và chất lượng nông sản.
Việc thúc đẩy người dân canh tác, sử dụng thuốc BVTV an toàn mang lại sự chuyển biến tích cực trong quá trình thay đổi nhận thức của nông dân và đại lý về sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm. Việc áp dụng các phương thức sản xuất bền vững không chỉ đem tới nhiều ý nghĩa quan trọng về kinh tế, sức khoẻ và môi trường, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị nông sản của địa phương, giúp nông dân gia tăng thu nhập, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển ngành nông nghiệp đã đề ra.
Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp, khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm tạo thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng nhưng cũng rất thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, cỏ dại gây hại mùa màng. Do vậy việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh bảo vệ mùa màng, giữ vững an ninh lương thực quốc gia là một biện pháp quan trọng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cần phải phát triển nông nghiệp bền vững, để phát huy các ưu điểm và hạn chế nhược điểm của thuốc BVTV, việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả là một trong những vấn đề cấp thiết. Người dùng thuốc BVTV phải thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”, “5 nguyên tắc vàng”, đảm bảo thời gian cách ly và sử dụng thuốc BVTV hài hòa.
Sử dụng thuốc BVTV hợp lý sẽ nâng cao giá trị nông sản, giúp nông dân gia tăng thu nhập. (Ảnh minh hoạ).
Theo điều phối viên Tổ chức Croplife Việt Nam (thành viên của liên minh CropLife toàn cầu đại diện cho ngành khoa học cây trồng), sử dụng thuốc BVTV một cách hợp lý sẽ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội. Cụ thể giai đoạn 1996-2020, chỉ số tác động lên môi trường giảm trong 24 năm qua, giảm hơn 748 triệu kg thuốc BVTV nhờ việc mở rộng canh tác giống cây biến đổi gene và giảm sử dụng thuốc BVTV. Đồng thời tiết kiệm 14,6 triệu lít nhiên liệu, giảm hơn 2,3 triệu kg CO2. Ngoài việc giảm lượng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học thì nông dân còn phải sử dụng một cách an toàn trong quá trình sản xuất.
Theo Cục BVTV, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 80% số xã trồng nông sản có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM (quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp); có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng. Bên cạnh đó, mỗi địa phương đang phát triển các loại cây trồng trên sẽ có ít nhất 5 giảng viên IPHM quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh.
Ở cấp xã, có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt. Phấn đấu có 90% diện tích lúa, nhãn, vải, thanh long ứng dụng IPHM; cây cà phê, hồ tiêu, chè đạt 70% diện tích ứng dụng IPHM ở mỗi tỉnh; giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học...
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 8.000 mã số vùng trồng, hơn 1.500 mã số cơ sở đóng gói. Nếu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chất lượng sản phẩm sẽ tăng lên, việc xuất khẩu càng trở nên thuận lợi. Do đó, để có thể phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại đến năm 2030, tầm nhìn 2050, các địa phương cần quan tâm, đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm… phát triển và nhân rộng các mô hình, giải pháp sinh học trong phòng chống sinh vật gây hại; đẩy mạnh sản xuất và sử dụng phân bón và thuốc BVTV sinh học.
Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào canh tác và tra cứu thông tin để chủ động kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tối đa lượng vật tư hóa học, sử dụng tối ưu vật tư đầu vào, gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Để phát triển và nhân rộng việc sử dụng thuốc BVTV hiệu quả cũng như Chương trình IPHM, cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là người dân – những người trực tiếp sản xuất, canh tác mới có thể thành công.
Đức Long
Bình luận