Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 13:01
Thứ hai, 16/09/2024 08:09
TMO - Với hơn 84 nghìn ha cây ăn quả, Sơn La đang vươn lên trở thành thủ phủ cây ăn quả của miền Bắc. Từ lợi thế này, Sơn La tăng cường công tác cấp, quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở được cấp mã, đảm bảo chất lượng trái cây xuất khẩu tới nhiều thị trường.
UBND tỉnh Sơn La cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024 sản lượng cây ăn quả của Sơn La tham gia xuất khẩu đạt khoảng 12,2 nghìn tấn với giá trị ước đạt gần 82 tỷ đồng. Trong đó có một số sản phẩm đã mở cửa thị trường từ những năm trước, đang dần trở thành sản phẩm thế mạnh xuất khẩu của Sơn La như: xoài (7,6 nghìn tấn), chuối (4,56 nghìn tấn), chanh leo (37 tấn)…
Trong 6 tháng đầu năm nhiều loại rau quả đặc trưng của tỉnh Sơn La lần đầu xuất ngoại khi nhiều thị trường mới được mở cửa trong 6 tháng đầu năm. Điển hình như hồi đầu năm, những quả thanh long đầu tiên của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn đã được xuất khẩu sang thị trường Scotland. Ngay sau đó, 5 tấn thanh long ruột đỏ của nông dân xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu cũng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Italia, thông qua HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng. Trong vụ mận năm 2024, 10 tấn mận Ruby Sơn La của HTX nông sản bản địa Noọng Piêu, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu đã được xuất khẩu vào các thị trường được xem là khó tính như: Đức, Anh, Pháp, Cộng hòa Séc với giá bình quân từ 250 – 300 ngàn đồng…
Với hơn 84 nghìn ha cây ăn quả, Sơn La đang vươn lên trở thành thủ phủ cây ăn quả của miền Bắc.
Từ năm 2017 đến nay, diện tích đất trồng cây ăn quả và sản lượng trái cây của Sơn La liên tục tăng cao, hiện đạt gần 85.000ha; sản lượng quả đạt 453.554 tấn; tăng 91,2% về diện tích, 210,5% về sản lượng (307.489 tấn) so với năm 2017. Một số cây ăn quả chính có giá trị hàng hóa lớn và đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, như: Nhãn ở huyện Sông Mã, Mai Sơn; xoài Yên Châu; na Mai Sơn; mận, bơ của huyện Mộc Châu; sơn tra của Mường La, Bắc Yên, Thuận Châu. Toàn tỉnh hiện có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 2.714ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương, sản lượng 43.570 tấn/năm; có 8.200ha sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ.
Với những lợi thế này, trong những năm qua Sơn La đã tăng cường công tác cấp, quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng cây ăn quả nói riêng, nông sản xuất khẩu nói chung. Với sự cạnh tranh gay gắt giữa các loại nông sản trên thị trường thế giới hiện nay, việc cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc cho nông sản mang tầm quốc tế trở thành điều cấp thiết của ngành trồng trọt. Mã số vùng trồng được xem là tấm vé thông hành quan trọng để nông sản xuất khẩu. Do đó, việc xây dựng mã số vùng trồng đang là việc làm rất cần thiết nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng với những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo phục vụ nhu cầu thị trường, từ đó góp phần đưa nông sản vươn tầm thế giới.
Việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu thông qua việc sản xuất theo quy trình nhất định có kiểm soát dịch hại, đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, mà còn giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Đồng thời, có thể xem đây là “chìa khóa” trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế cũng như lợi ích kinh tế của người nông dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh, đang duy trì 214 mã số vùng trồng, gồm 205 mã số vùng trồng xuất khẩu, 09 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích 3.121,81 ha. Đang duy trì 205 mã số vùng trồng xuất khẩu vào các thị trường, trong đó: 119 mã số xuất khẩu sang Trung Quốc; 30 mã số xuất khẩu sang Hoa Kỳ; 41 mã số xuất khẩu sang Úc; 09 mã số xuất khẩu sang Newziland; 03 mã số xuất khẩu 2 sang EU; 03 mã số xuất khẩu sang các thị trường khác.
Tổng số các loại cây trồng được cấp mã số xuất khẩu: Xoài 69 mã số, nhãn 108 mã số, chuối 16 mã số, mận 05 mã số, mắc ca 01 mã số, thanh long 02 mã số, chanh leo 04 mã số. Duy trì 09 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt gồm: Mận 02 mã số, nhãn 02 mã số, xoài 02 mã số, cà phê 01 mã số, rau và dâu tây 01 mã số, lúa 01 mã số. Mã số cơ sở đóng gói nông sản đang duy trì 11 mã số: Thành phố Sơn La 04 mã số, Mai Sơn 03 mã số, Sông Mã 01 mã số, Yên Châu 01 mã số, Mộc Châu 02 mã số. Các sản phẩm đóng gói gồm nhãn, xoài, mắc ca, chanh leo.
Toàn tỉnh đã thực hiện giám sát 188 mã số vùng trồng gồm: 74 mã số vùng trồng xoài, 109 mã số vùng trồng nhãn, 05 mã số vùng trồng mận. Tại các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Bắc Yên, Sông Mã; Thuận Châu; Mường La và Thành phố. Kết quả, 182 mã số vùng trồng đủ điều kiện tiếp tục duy trì, 06 mã số đề nghị thu hồi mã số để chuyển đổi cây trồng khác.
Các ngành chức năng cần đẩy mạnh tập huấn nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, cơ sở thực hiện xây dựng vùng trồng đảm bảo cho việc cấp mã.
Để bảo vệ và duy trì mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ngoài việc giám sát của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và nông dân phải xem đây như một loại tài sản và có ý thức tự bảo vệ, nếu phát hiện ra các hành vi sai phạm phải có động thái thông báo cho các cơ quan chức năng biết để bảo vệ mã số của mình. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh tập huấn nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, cơ sở thực hiện xây dựng vùng trồng đảm bảo cho việc cấp mã. Trước mắt, tập trung xây dựng mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa. Khi đảm bảo hình thành được các chuỗi liên kết, tìm được thị trường thì mở rộng ra xuất khẩu.
Tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các địa phương hình thành mã vùng trồng. Tăng cường tổ chức liên kết sản xuất cho nông dân tại các vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu; chủ động làm tốt công tác vệ sinh vườn trồng, hồ sơ, tài liệu ghi chép toàn bộ quá trình tác động vào vườn trồng, theo dõi việc phát hiện và xử lý các loài sinh vật gây hại tại vườn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai Kế hoạch số 263/KH-UBND ngày 08/11/2023 của UBND tỉnh Sơn La về công tác thiết lập, cấp và quản lý, giám sát mã số vùng trồng, và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024 và Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng; Công văn số 6234/BNN-TT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cấp, quản lý mã số vùng trồng.
Tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho nông dân tại các xã đạt nông thôn mới và các xã có kế hoạch công nhận nông thôn mới nâng cao về thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu thực hiện cấp mới 36 mã số vùng trồng đạt mục tiêu 250 mã số vùng trồng trên địa bàn toàn tỉnh, giám sát 23 mã số vùng trồng và 02 cơ sở đóng gói.
Lê Hằng
Bình luận