Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 22:02
Thứ bảy, 08/02/2025 10:02
TMO - UBND tỉnh Sơn La yêu cầu: Việc phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan.
UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định số 242/QĐ-UBND ngày 4/2/2025, về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Quy chế này quy định nguyên tắc, phương thức, nhiệm vụ và cách thức thực hiện phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Quy chế này áp dụng đối với các Sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo nội dung quy chế, có 8 nội dung phối hợp chính, gồm: Phối hợp truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; Phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ, hoặc đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; Giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về lĩnh vực bảo vệ môi trường; Phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý và khắc phục ô nhiễm môi trường;
Phối hợp trong công tác thực hiện thủ tục hành chính về môi trường; Phối hợp trong công tác xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường; Phối hợp trong công tác thẩm định, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải; Phối hợp trong công tác thực hiện chỉ tiêu môi trường trong hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
(Ảnh minh họa).
Trong đó, đối với nội dung Phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý và khắc phục ô nhiễm môi trường: Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì trong công tác phòng ngừa, xử lý và khắc phục ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh; có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; theo dõi, đánh giáchất lượng, diễn biến môi trường trên địa bàn tỉnh và công bố công khai các thông tin theo quy định.
Các Sở, ban, ngành có trách nhiệm chủ trì trong công tác phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực, địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của mình và có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh trong việc cung cấp thông tin, số liệu, thẩm định các hồ sơ, thủ tục hoặc tham gia xử lý đối với trường hợp có liên quan đến lĩnh vực, đơn vị mình quản lý.
UBND cấp huyện là cơ quan chủ trì trong công tác phòng ngừa, xử lý và khắc phục ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý; có trách nhiệm xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường; thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trên địa bàn theo thẩm quyền; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
UBND cấp xã là cơ quan chủ trì trong công tác phòng ngừa, xử lý và khắc phục ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn và có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường; chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Chế độ thông tin, báo cáo được thực hiện thông qua hình thức văn bản, trao đổi trực tiếp, định kỳ báo cáo. Trong đó, đối với các văn bản tham gia ý kiến, báo cáo đột xuất, thời hạn báo cáo, có văn bản theo đề nghị của cơ quan chủ trì; đối với báo cáo định kỳ kết quả triển khai thực hiện quy chế này, thời hạn trước ngày 15/12 hằng năm (trừ quy định tại Điều 12 quy chế này); báo cáo, văn bản tham gia ý kiếngửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo kết quả thực hiện quy chế phối hợp với UBND tỉnh trước 31/12 hằng năm.
Hồng Thắm
Bình luận