Hotline: 0941068156
Thứ năm, 22/05/2025 14:05
Thứ năm, 22/05/2025 06:05
TMO - Tỉnh Sóc Trăng đang từng bước triển khai các mô hình phát triển kinh tế xanh gắn với bảo vệ tài nguyên rừng. Đây được xem là hướng đi bền vững nhằm nâng cao sinh kế cho người dân, đồng thời gìn giữ hệ sinh thái rừng trước tác động của biến đổi khí hậu.
Diện tích rừng của tỉnh Sóc Trăng hơn 10.180ha, trong đó rừng phòng hộ ven biển hơn 6.759ha, rừng sản xuất hơn 3.151ha và rừng phòng hộ bảo vệ môi trường gần 270ha (khu Căn cứ Tỉnh ủy tại xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú).
Phân trường Mỹ Phước 2, huyện Mỹ Tú là một trong những nơi có diện tích rừng tương đối lớn trên địa bàn huyện với hơn 1.293ha. Nhằm bảo vệ, bảo tồn tài nguyên rừng hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở người dân, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn về công tác mở rộng , đẩy mạnh trồng rừng
Bên cạnh đó, để đảm bảo việc quản lý và bảo vệ rừng, ngành chức năng tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh phát triển diện tích trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất và cây phân tán trên địa bàn; chuyển giao khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý và bảo vệ rừng, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả dưới tán rừng. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2024 đến nay, diện tích rừng phòng hộ được trồng 20,14 ha, đối với rừng sản xuất, diện tích trồng lại sau khai thác 279,89ha và trồng cây phân tán 1.806.789.
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2025, Chi cục sẽ phối hợp với ngành chức năng tiến hành trồng khoảng 300 ha rừng gồm100 ha rừng phòng hộ, 200 ha rừng sản xuất và trên 1.100 cây phân tán. Để quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ đơn vị đã xây dựng một số mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng kết hợp với bảo vệ rừng bước đầu mang lại hiệu quả về kinh tế, ổn định đời sống cho người dân tham gia.
Sóc Trăng có hơn 6.700ha rừng phòng hộ ven biển.
Thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, hướng tới quản lý, bảo vệ bền vững tài nguyên rừng ở Sóc Trăng. Lãnh đạo Chi cục Kiểm Lâm Sóc Trăng thông tin thêm, hiện tại, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm về quản lý bảo vệ rừng cho người dân, giám sát chặt chẽ diễn biến rừng giao các chủ rừng và các công trình đang thi công có ảnh hưởng đến rừng phòng hộ.
Đồng thời, kiểm tra quản lý bảo vệ rừng tại các khu vực rừng phòng hộ, phối hợp với các cơ quan Công an, Quân sự, Biên phòng tăng cường tuần tra nhằm phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả việc phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tại huyện Cù Lao Dung, địa phương thường xuyên bị chịu ảnh hưởng của tình hình sạt lở bờ sông, bờ đê.
Những năm qua, địa phương thường xuyên tổ chức trồng rừng dưới chân đê bao, xây dựng các phương án bảo vệ rừng phòng hộ nhằm giảm thiểu rủi ro do tình hình sạt lở diễn biến phức tạp. Đại diện phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cù Lao Dung cho biết, tổng diện tích rừng địa phương là 1.940,46 ha, trong đó rừng phòng hộ ven biển 1.790,46 ha, rừng ven sông 150 ha, tỷ lệ che phủ rừng 5,52%.
Thời gian qua, ngành chức năng tiến hành các buổi tập huấn cho những hộ sống ven rừng về bảo vệ rừng, đồng thời triển khai nhiều mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng như mô hình nuôi ba khía, ốc len, cua,… đem lại thu nhập ổn định cho người dân từ đó giúp người dân an tâm bảo vệ rừng. Từ năm 2024 đến nay huyện trồng được trên 10.000 cây bần, cây mắm, với diện tích tương đương 4 ha ở các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của sạt lở như, xã An Thạnh Đông và xã Đại Ân 1.
Bên cạnh đó, cũng kêu gọi người dân ở khu vực này chung tay bảo vệ rừng nhằm giảm nhẹ tác động của thiên tai gây ra. Lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho hay, tại Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2025 diễn ra tại huyện Thạnh Trị có hơn 3000 cây phân tán được trồng tại huyện Thạnh Trị và các địa phương khác.
Tỉnh luôn xác định việc trồng cây xanh là việc làm quan trọng, gắn liền với phát triển kinh tế văn hóa xã hội. Việc trồng cây phân tán, trồng rừng có vai trò quan trọng trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhân dân.
Công tác kiểm tra, giám sát rừng được ngành chức năng chú trọng. (Ảnh: BLĐ).
Cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, do vậy việc bảo vệ môi trường sinh thái hết sức quan trọng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, bảo vệ cuộc sống của người dân. Tỉnh Sóc Trăng có trên 10.000 ha rừng; trong đó, rừng phòng hộ ven biển chiếm gần 7.000 ha ha, tập trung chủ yếu tại huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu.
Hiện nay rừng phòng hộ tại Sóc Trăng ngày càng mỏng dần, đe dọa đến hệ thống đê biển và sản xuất nông nghiệp vùng ven biển nguyên nhân thiếu phù sa bồi lấn ven biển cùng tác động của các đợt triều cường dâng cao kết hợp sóng biển. Thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Cùng đó, phát triển kinh tế lâm nghiệp với các mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng, như: mô hình nuôi ba khía, ốc len, cua,… vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, vừa phát huy tiềm năng, giá trị tài nguyên của rừng.
Đáng chú ý, nhằm mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ rừng đối với các đơn vị, người dân, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai tập huấn, tuyên truyền công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2025.
Thực hiện Kế hoạch số 40/KH-CCKL, ngày 18/3/2025 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng về tập huấn, tuyên truyền công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2025; vào trung tuần tháng 3 năm 2025, tại các Phân trường Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Phú Lợi, Thạnh Trị, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ thuộc Công an tỉnh Sóc Trăng, tổ chức 05 lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng dành cho các cán bộ, công chức, viên chức xã, phụ trách lâm nghiệp, các chủ rừng, lực lượng các tổ PCCCR của các chủ rừng, các hộ dân sống ven rừng và người dân trên địa bàn các huyện có rừng, với khoảng 200 lượt người tham dự.
Tại các buổi tập huấn, tuyên truyền, các đơn vị chuyên môn đã chia sẻ về tầm quan trọng của rừng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và trong cuộc sống của con người; ảnh hưởng đối với kinh tế xã hội nếu để xảy ra cháy rừng; nhiệm vụ bảo vệ rừng của các ngành liên quan, các địa phương, lực lượng bảo vệ rừng và cả người dân sống ven rừng; tuyên truyền kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng; những giải pháp bảo vệ rừng, phát triển rừng hiện tại và trong thời gian tới. Đồng thời, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp, về PCCC.
Gắn bảo vệ tài nguyên rừng với phát triển kinh tế xanh đang mở ra hướng đi bền vững cho Sóc Trăng, đặc biệt tại các vùng ven biển và khu vực có đông người dân sinh sống. Tuy nhiên, để các mô hình này phát huy hiệu quả lâu dài, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế hỗ trợ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thu hút nguồn lực đầu tư. Khi người dân thực sự thấy được lợi ích kinh tế từ việc giữ rừng mới có thể tạo nền tảng phát triển hài hòa giữa môi trường và kinh tế địa phương.
Hà Thương
Bình luận