Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 18/07/2025 14:07
Thứ sáu, 18/07/2025 06:07
TMO - Những số liệu, thông tin liên quan tới tài nguyên rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội đang dần được số hoá, kết nối đồng bộ trên nền tảng số. Việc chuyển đổi này giúp cơ quan chức năng theo dõi diễn biến rừng chính xác, nhanh chóng và minh bạch hơn, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đô thị hoá ngày càng gia tăng.
Số hoá dữ liệu rừng không chỉ phục vụ quản lý hiệu quả mà còn là bước đệm quan trọng để Hà Nội giữ vững tài nguyên xanh giữa lòng đô thị. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên một cách khoa học, chính xác và hiệu quả hơn.
Thay vì dựa vào báo cáo thủ công hay kiểm tra hiện trường tốn thời gian, các đơn vị chuyên trách giờ đây có thể truy cập hệ thống dữ liệu số để nắm bắt nhanh thông tin về diện tích rừng, hiện trạng cây xanh, vùng có nguy cơ xâm hại hay cháy rừng. Việc tích hợp công nghệ như bản đồ số, ảnh viễn thám và nền tảng quản lý tập trung giúp quá trình giám sát được tự động hóa, cập nhật theo thời gian thực và giảm đáng kể sai lệch trong báo cáo.
Ngoài ra, dữ liệu số còn hỗ trợ việc ra quyết định chính xác trong quy hoạch phát triển lâm nghiệp, bố trí lực lượng bảo vệ rừng phù hợp và nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành. Đây là bước đi quan trọng thể hiện sự thích ứng linh hoạt của Hà Nội trong chuyển đổi số lĩnh vực lâm nghiệp.
Tại Quyết định số 1083/QĐ-UBND ngày 27-2-2025 công bố hiện trạng rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 cho thấy, tính đến ngày 31-12-2024, tổng diện tích có rừng và diện tích chưa thành rừng của thành phố Hà Nội là 27.074,53ha. Trong đó, diện tích rừng là 18.342,38ha, gồm: 7.593,07ha rừng tự nhiên và 10.749,31ha rừng trồng; diện tích chưa thành rừng là 8.732,15ha, gồm: 1.022,51ha diện tích đã trồng cây rừng, 315,58ha diện tích có cây tái sinh, 7.394,06ha diện tích khác.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, thành phố Hà Nội chú trọng ứng dụng công nghệ số, kỹ thuật hiện đại để bảo tồn, phát triển rừng hiệu quả. Đặc biệt, TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3840/UBND-NNMT ngày 01/7/2025 về tăng cường thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, UBND TP yêu cầu các sở, ngành, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản của UBND TP về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và xử lý tình trạng san ủi, xây dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp. UBND các xã, phường có rừng kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban chỉ huy PCCCR tại địa phương, bảo đảm các tổ đội chuyên trách bảo vệ rừng hoạt động hiệu quả, kịp thời ngăn chặn xử lý các vụ phá rừng, cháy rừng xảy ra tại địa phương; tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý đất lâm nghiệp năm 2025 của UBND huyện, thị xã có rừng đã chuyển giao cho các xã, phường mới;
Tiến hành rà soát, điều chỉnh, xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và quản lý đất lâm nghiệp phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và thực tế tại địa phương để thực hiện hiệu quả; xây dựng phương án PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ", kịch bản phù hợp điều kiện thực tế địa phương để kịp thời chữa cháy khi xảy ra cháy rừng, di dời Nhân dân cùng tài sản, kho tàng ra khỏi khu vực nguy hiểm xảy ra cháy rừng; tăng cường phối hợp với lực lượng công an, kiểm lâm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng; xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Cán bộ Kiểm lâm TP.Hà Nội ứng dụng công nghệ hiện đại để theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trên địa bàn. (Ảnh: BVP).
Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội nghiêm túc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao để quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng đạt kết quả cao; nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, công nghệ AI để nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn TP.
Công an TP chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tăng cường nắm tình hình địa bàn, phối hợp với cơ quan liên quan, chính quyền địa phương, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, PCCCR và quản lý đất lâm nghiệp. Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan liên quan điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, PCCCR và quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn TP.
Chỉ đạo Công an các xã, phường quản lý địa bàn có rừng tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm tổ chức tuần tra, kiểm tra xử lý triệt để, xoá bỏ các tụ điểm, điểm nóng về phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm xây dựng công trình trái phép trên đất lâm nghiệp...
Tại Công văn số 3840/UBND-NNMT nhấn mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, công nghệ AI để nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng là bước tiến quan trọng trong bối cảnh đô thị hoá nhanh và biến đổi khí hậu.
Số hoá, ứng dụng công nghệ hiện đại giúp thành phố Hà Nội hệ thống hóa thông tin rừng một cách đầy đủ, đồng bộ, phục vụ công tác theo dõi, giám sát, cảnh báo và ra quyết định kịp thời. Đặc biệt, nhờ ứng dụng chuyển đổi số các nguy cơ về cháy rừng, lấn chiếm đất rừng hay suy giảm diện tích rừng có thể được phát hiện sớm và xử lý hiệu quả. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro cho tài nguyên rừng mà còn tiết kiệm nhân lực, chi phí quản lý.
Về lâu dài, Hà Nội hướng tới xây dựng một hệ sinh thái quản lý rừng hiện đại, minh bạch, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị môi trường sinh thái cho thành phố. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho cam kết của Thủ đô trong việc kết hợp chuyển đổi số với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và trách nhiệm.
Quỳnh Nga
Bình luận