Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Thứ hai, 23/05/2022 20:05
TMO – Vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) có thời điểm ghi nhận đàn sếu đầu đỏ với hàng nghìn con bay về trú ngụ khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng sếu bay về mỗi năm một ít, thậm chí vắng bóng.
Thông thường, từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau là thời điểm sếu tìm về Vườn quốc gia Tràm Chim, khoảng sang tháng 6, khi có mưa nhiều, sếu bắt đầu bay đi. Sếu sống theo gia đình 3-4 con, sếu con thường từ một đến 1,5 tuổi bắt đầu tách bầy và vòng đời có thể lên đến 40 năm.
Sếu đầu đỏ
Nhận thấy Tràm Chim là nơi bảo tồn được đàn sếu với số lượng lớn, trước nguy cơ loài chim quý này trên bờ tuyệt chủng toàn cầu, năm 1986, một hội nghị giữa các tổ chức môi trường trong và ngoài nước với tỉnh Đồng Tháp được tổ chức sau đó để bàn giải pháp bảo tồn lâu dài. Thời điểm này, các chuyên gia đã gắn thiết bị theo dõi đường bay một số cá thể sếu làm dữ liệu nghiên cứu.
Tuy nhiên, theo từng năm, sếu về Tràm Chim có dấu hiệu giảm dần, năm 2015 có 21 con tìm về, đến năm 2016 giảm chỉ còn 14 con, năm 2017 có 9 con, năm 2018: có 11 con, năm 2019 cũng chỉ có 11 con, năm 2020 không thấy cá thể nào bay về (chỉ ghi nhận khoảng 10 cá thể bay ngang khu vực Kiên Giang). Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Tràm Chim, đến thời điểm này (23/5/2022) vẫn chưa thấy sếu tìm về như thông lệ, giống như lần thưa thớt, vắng bóng cách đây 2 năm.
Ngoài sếu đầu đỏ, Vườn quốc gia Tràm Chim còn nhiều loài chim quý hiếm khác tìm đến trú ngụ.
Theo các chuyên gia, sếu không về, có thể vì nhiều nguyên nhân. Là loài chim “đa quốc gia”, nhưng ở đâu sếu đầu đỏ cũng gặp khó. Những cánh rừng khô cây họ dầu là nơi lý tưởng cho sếu sinh sản vào mùa mưa (tháng 6 - 9) đã bị thu hẹp ở các nước Đông Dương. Các sinh cảnh đất ngập nước tự nhiên đã bị chuyển đổi thành đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Trồng lúa nhiều vụ, thay đổi thủy chế và sử dụng quá mức hóa chất nông nghiệp đã làm phá vỡ cân bằng hệ sinh thái. Vẫn nhiều ý kiến nghi ngờ phải chăng đây là nguyên nhân dẫn đến việc sếu gần như không còn cơ hội để tồn tại?
Vườn quốc gia Tràm Chim, nơi sếu đầu đỏ sống khoảng 6 tháng mỗi năm, xưa kia ít kênh rạch, phèn còn nhiều, nên bãi năng khi đó vài nghìn ha, là môi trường sống hoàn hảo. Theo giới chuyên gia, sự sụt giảm cá thể sếu ở Việt Nam có thể do môi trường sinh thái tự nhiên đang có vấn đề, đặc biệt là các vùng đất ngập nước tự nhiên và khu vực sản xuất nông nghiệp. Việc chuyển đổi đồng cỏ ngập nước tự nhiên thành đất nuôi trồng thủy sản hay trồng lúa và lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đã phá vỡ cân bằng hệ sinh thái. Sếu gần như không còn cơ hội để tồn tại. Tại các khu bảo tồn, việc trữ nước phòng chống cháy rừng làm giảm đa dạng sinh học nhất là đồng cỏ năng. Nay đàn sếu chưa về, là dấu hiệu cho thấy mọi thứ nguy cơ đang thay đổi theo chiều hướng xấu đi, một số loài bản địa ngày càng bị đẩy gần đến bờ tuyệt diệt.
Trên toàn thế giới ước tính có khoảng 15.000-20.000 cá thể sếu đầu đỏ, trong đó 8.000-10.000 con phân bố ở Ấn Độ, Nepal, Pakistan. Ở các nước Đông Dương (chủ yếu Việt Nam và Campuchia), từ năm 2014 ghi nhận khoảng 850 sếu đầu đỏ, song đến năm 2014 còn 234 con, năm 2020 ước tính còn 179 cá thể.
“Tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim”, là sản phẩm du lịch được địa phương khai thác triệt để.
Vườn quốc gia Tràm Chim rộng 7.500 ha, là khu đất ngập nước, được công nhận là khu Ramsar (khu bảo tồn ngập nước) thứ 2.000 của thế giới và thứ tư của Việt Nam. Nơi đây có nhiều loài chim quý, đặc biệt là sếu đầu đỏ - nằm trong Sách đỏ. Đàn sếu thường từ Campuchia bay về vườn kiếm ăn, trú ngụ từ tháng 12 đến khoảng tháng 5 năm sau rồi mới rời đi.
Sếu đầu đỏ có điểm nổi bật là phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ; vằn trên cánh và đuôi màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu của sếu màu xanh sừng, chân đỏ. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh 2,2 - 2,5 m, nặng 8-10 kg. Sếu thường ăn ốc, cua, cá, chuột, củ năng kim…
Lan Anh
Bình luận