Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ năm, 24/10/2024 13:10
TMO - Theo đó, những doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp ở Bình Dương nếu vi phạm các tiêu chí về môi trường; phòng cháy, chữa cháy; không phù hợp quy hoạch sẽ phải di dời vào khu công nghiệp. Từ nay đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ di dời các doanh nghiệp lên các cụm hoặc khu công nghiệp phía Bắc của tỉnh.
Thông tin này được Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương xác nhận. Được biết, đến nay Sở Công thương Bình Dương đã xây dựng xong Đề án di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở phía Nam (giáp TP. HCM, Đồng Nai) vào các khu, cụm công nghiệp ở phía Bắc của tỉnh (các huyện giáp với tỉnh Bình Phước).
Theo Đề án từ nay đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ di dời các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh nằm rải rác trong các khu dân cư thuộc địa bàn TP. Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên và Bến Cát lên các cụm hoặc khu công nghiệp phía Bắc của tỉnh. Ước tính có khoảng hơn 2.800 doanh nghiệp và gần 290.000 người lao động sẽ phải di dời khi thực hiện Đề án.
Về tiêu chí xác định phải di dời, doanh nghiệp nếu thuộc 1 trong 4 tiêu chí sau buộc phải di dời, gồm: doanh nghiệp vi phạm quy định của Luật Xây dựng, Luật Đô thị; doanh nghiệp không đảm bảo quy định về môi trường mà không thể khắc phục được; doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và không thể khắc phục được; địa điểm hoạt động của doanh nghiệp không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất theo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030. Riêng đối với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề truyền thống như sơn mài, gốm, nếu cơ sở hoặc doanh nghiệp thuộc tiêu chí "không phù hợp với quy hoạch", nhưng không vi phạm các tiêu chí còn lại thì không thuộc đối tượng buộc phải di dời.
Để di dời số lượng lớn các doanh nghiệp vào khu hoặc cụm công nghiệp tập trung, tỉnh Bình Dương đã quy hoạch và đang chuẩn bị xây dựng 8 khu công nghiệp (KCN) mới gồm: Cây Trường, Bàu Bàng 3, Bàu Bàng 4, Bắc Tân Uyên 2, Bắc Tân Uyên 4, Dầu Tiếng 1A, Dầu Tiếng 5 và Phú Giáo 4.
Tỉnh Bình Dương sẽ quy hoạch những doanh nghiệp vi phạm về môi trường, phòng cháy, chữa cháy...phải di dời vào khu công nghiệp. (Ảnh minh hoạ).
Ngoài ra, Bình Dương đã quy hoạch 25 cụm công nghiệp phục vụ di dời với tổng diện tích 1.743 ha tại các huyện Dầu Tiếng (10 cụm, 725 ha), Bắc Tân Uyên (7 cụm, 493,5 ha), Phú Giáo (8 cụm, 524,4 ha) để phục vụ di dời doanh nghiệp đến đây.
Khi doanh nghiệp di dời, UBND tỉnh Bình Dương sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công năng, chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, sử dụng đất tại vị trí cũ phù hợp với quy hoạch.
Đối với người lao động, UBND tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ người lao động trong thời gian doanh nghiệp di dời nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người lao động, doanh nghiệp và nhà nước.
Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết, hiện tại, Đề án di dời đang trình UBND tỉnh để xin ý kiến, trước khi ban hành chính thức và tổ chức thực hiện. Theo khảo sát, số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương là rất lớn, chiếm khoảng 71% tổng số các cơ sở sản xuất công nghiệp. Do lịch sử phát triển, những doanh nghiệp này nằm rải rác xen lẫn trong các khu dân cư, khu đô thị. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp thiếu các nguồn lực cần thiết để xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng..., gây khó khăn trong việc phát triển đô thị của Bình Dương.
Tuy nhiên, việc buộc doanh nghiệp ở phía Nam của tỉnh Bình Dương phải di dời vào trong khu công nghiệp sẽ được tiến hành hài hoà lợi ích giữa các bên. Theo Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, việc chuyển đổi công năng di dời doanh nghiệp vào khu công nghiệp được đầu tư bài bản là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải kiên trì thực hiện, đảm bảo sự đồng thuận, phục vụ hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước.
Đồng thời phải tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng và tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, chủ doanh nghiệp và người lao động để đánh giá tính khả thi khi chuyển đổi công năng, di dời doanh nghiệp. Có kế hoạch, lộ trình thực hiện rõ ràng, tổ chức thí điểm nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.
Do đó, Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các sở ngành lưu ý, chính sách hỗ trợ của tỉnh phải được xây dựng theo đúng quy định của thể chế pháp luật. Trong đó, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ tập trung vào 2 nhóm: Nhóm doanh nghiệp bắt buộc phải di dời và nhóm doanh nghiệp vẫn đủ điều kiện hoạt động nhưng khuyến khích di dời. Chính sách hỗ trợ đối với người lao động gồm: Chính sách lương ngừng việc; trợ cấp mất việc làm; đào tạo nghề…/.
Mai Phương
Bình luận