Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Chủ nhật, 30/01/2022 19:01
TMO - Chợ, ngoài là nơi giao thương mua bán cũng là một nét văn hóa lâu đời trên khắp mọi vùng miền. Trong đó, chợ vùng cao, đặc biệt là chợ phiên được cho là nơi hội tụ tinh hoa văn hoá của các dân tộc thiểu số nơi đây.
Từ thuở con người sản xuất dư thừa của cải, phát sinh trao đổi của cải kiếm được để đổi lấy những thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày và dự trữ cũng là lúc chợ ra đời. Ban đầu là một nhóm nhỏ vài người, rồi lên đến hàng chục, hàng trăm, thậm chí cả nghìn người.
Chợ phiên khác chợ thông thường ở chỗ chỉ mở bán vào những ngày đặc biệt cố định, có chợ thì mở vào thứ Bảy, Chủ nhật mỗi tuần, có một vài chợ mở vào thứ Năm, thứ Sáu; có nhiều chợ mở theo ngày Dần và Thân, Tỵ và Hợi mỗi tháng… Khi đô thị hóa phát triển, các cửa hàng tiện lợi và siêu thị đang dần thay thế cho chợ truyền thống thì chợ phiên ở miền núi phía Bắc nước ta vẫn còn tồn tại như thuở nguyên sơ, vẫn tấp nập kẻ bán người mua và vẫn dung dị như thế. Đến với chợ phiên, du khách sẽ được trải nghiệm một không gian văn hóa đầy tính cộng đồng - một nét đẹp vùng cao hiếm có.
Chợ phiên mang nét đẹp văn hóa không thể pha lẫn và cũng là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Chợ phiên không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, vui chơi, sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn và cũng là nơi cất giữ cả một kho tàng văn hóa ẩm thực, trang phục… vô cùng thú vị. Người đến chợ cũng đủ các lứa tuổi, từ già đến trẻ, đặc biệt là có nhiều nam nữ thanh niên. Những bà mẹ, những người vợ đi chợ để mua sắm. Các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn... Trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ, thanh niên nam nữ đến chợ để giao lưu tìm bạn tình tạo nên một khung cảnh vui tươi, đầy sắc màu.
Để đi chợ phiên, người dân phải dậy từ lúc trời còn tối. Họ đến chợ với hành lý đơn sơ là chiếc gùi đựng vài cân gạo, mớ rau hay nải chuối…; là chiếc bao tải nhỏ đựng vài lưỡi cuốc, con dao, liềm, xẻng, kiềng bếp, hay dắt theo vài con bò, ngựa, mang theo vài con lợn, gà, ngan. Những sản phẩm ấy là kết tinh của sự lao động cần cù, cũng là những sản vật đặc trưng do bà con các dân tộc làm ra.
Tại các phiên chợ, những gương mặt thuần phác của người dân tộc trong bộ trang phục truyền thống mà phụ nữ mặc. Nhiều sắc màu được tạo nên từ những mặt hàng thổ cẩm được bày bán. Đó là những chiếc áo, chiếc váy được cắt may, thêu tay tinh xảo và những cuộn chỉ nhiều màu được các cô, các chị say mê chọn lựa. Và còn một gam màu đặc biệt, không thể không kể đến là màu nhuộm chàm in hằn lên đôi bàn tay khéo léo, chăm chỉ của những người phụ nữ.
Một điều khá thú vị trong các phiên chợ vùng là các gian hàng ăn uống luôn tấp nập thực khách ghé thăm. Mùi thơm nức mũi của những món ăn dân dã đậm chất vùng cao nghi ngút khói càng thêm ấm giữa trời sương giá rét. Nơi đây bày bán những đặc sản vô cùng nổi tiếng, nằm trong khu ẩm thực rất rộng, thu hút không chỉ người bản địa mà cả du khách bởi mang đậm phong vị nguyên bản không đâu sánh bằng.
Mỗi dịp Tết đến, chợ phiên vùng cao tưng bừng, náo nức khác hẳn ngày thường. Trên con đường bên lưng chừng núi, tiếng nói cười quyện hòa vào cái se sắt lạnh và nét hoang hoải của núi rừng miền biên viễn, tiếng chân ngựa lóc cóc trên đường, tiếng sáo, tiếng khèn dặt dìu vương theo niềm mong đợi của những tâm hồn xuống chợ phiên như đi xuống ngày hội xuân.
Người xuống chợ đông vui hơn, hàng hóa nhiều hơn, những thanh âm cất lên từ phiên chợ như vang vọng, sâu lắng hơn mọi khi. Những phiên chợ xuân ở vùng biên cương Tây Bắc như những không gian tổng hòa những nét văn hóa cổ truyền vô cùng độc đáo của đồng bào vùng cao hội tụ về đây. Mỗi dân tộc là một nét văn hóa riêng, khi đến chợ Tết, họ đã mang đến cho phiên chợ những sắc màu văn hóa làm nên một không gian đa sắc khiến phiên chợ đẹp hơn.
Phụ trách chuyên đề Tết: Gia Kiệt
Thực hiện: Văn Tỵ - Thanh Mơ
Bình luận