Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 27/12/2024 09:12
Thứ hai, 23/12/2024 20:12
TMO - Tỉnh Quảng Nam đang tập trung phát triển rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC (Forest Stewardship Council), hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
HTX Hiệp Thuận đang quản lý gần 1.400 ha rừng FSC, mỗi năm thu mua hơn 3.000 tấn gỗ lớn của người dân. (Ảnh: N.Trân).
HTX hỗ trợ các hộ dân tham gia thông qua các lợi ích thiết thực: cung cấp giống chất lượng cao (miễn phí hoặc trả sau), bao tiêu sản phẩm với giá cạnh tranh, tổ chức tập huấn kỹ thuật, và hỗ trợ chuyển đổi từ chu kỳ ngắn sang chu kỳ dài. Đặc biệt, quỹ rủi ro của HTX chi trả gấp 10 lần mức đóng góp hàng năm (200-400 nghìn đồng/ha) để bù đắp thiệt hại do thiên tai. Ông Trần Văn Tuấn, một hộ dân tại xã Hiệp Thuận chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ thu được khoảng 70-80 triệu đồng từ 1 ha rừng keo ngắn hạn. Nay chuyển sang rừng gỗ lớn, sau 10 năm có thể thu trên 200 triệu đồng/ha. Mặc dù thời gian dài hơn, nhưng lợi ích kinh tế bền vững hơn rất nhiều”.
Ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc HTX, cho biết: “Chúng tôi xây dựng vườn ươm giống chất lượng cao, hỗ trợ toàn bộ cây giống và cho vay không lãi suất với rừng từ 5 tuổi trở lên. HTX thu mua gỗ FSC cao hơn giá thị trường 5-7%. Với sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức quốc tế, chúng tôi không ngừng mở rộng quy mô và nâng cao đời sống kinh tế của các thành viên”.
QNAFOR hướng dẫn người dân thực hành trồng rừng gỗ lớn. (Ảnh: QNAFOR).
Theo ông Hùng, suy thoái kinh tế đã làm giảm nhu cầu thu mua gỗ nguyên liệu, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển rừng gỗ lớn. Thêm vào đó, phần lớn rừng sản xuất tại địa phương là đất đồi dốc, phân tán và chưa có sổ đỏ, không đáp ứng tiêu chí FSC. Dù vậy, QNAFOR vẫn kiên trì với mục tiêu tăng trưởng bền vững hàng năm. “Chính sách hỗ trợ của Nhà nước khá phức tạp, thường thực hiện sau đầu tư, khiến người dân phải chờ lâu. Ngoài ra, việc chứng minh nguồn gốc cây giống, kỹ thuật trồng và yêu cầu sổ đỏ là những rào cản lớn. Doanh nghiệp đã tận dụng nguồn lực tài chính và tìm kiếm hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để hỗ trợ người dân, nhưng hiện tại vẫn gặp nhiều khó khăn”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Theo Sở NN&PTNT Quảng Nam, tỉnh hiện có gần 724.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó hơn 218.800 ha là rừng trồng. Tuy nhiên, chỉ khoảng 19.300ha đạt chứng chỉ FSC. Sản lượng gỗ khai thác hàng năm đạt khoảng 1,65 triệu m³, nhưng phần lớn gỗ từ rừng trồng chưa được cấp chứng chỉ FSC do những vướng mắc pháp lý, đặc biệt là thiếu sổ đỏ và khó truy xuất nguồn gốc gỗ nguyên liệu.
Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có 30.000 ha rừng trồng sản xuất đạt chứng chỉ FSC. (Ảnh minh hoạ).
Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có 30.000 ha rừng trồng sản xuất đạt chứng chỉ FSC. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tập trung tuyên truyền về lợi ích của chứng chỉ FSC đối với người dân, cải thiện quản lý đất đai, nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững, đồng thời khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp và hộ gia đình. Mô hình liên kết không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp mà còn tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho ngành lâm nghiệp./.
Chứng chỉ FSC là gì? FSC là một tổ chức quốc tế phi chính phủ, được thành lập với mục tiêu đảm bảo rằng các sản phẩm từ gỗ và giấy được sản xuất từ rừng được quản lý bền vững. Chứng chỉ FSC được cấp cho các cơ sở, tổ chức và doanh nghiệp chứng minh được việc sử dụng gỗ từ các nguồn rừng được quản lý một cách bền vững, bảo vệ quyền lợi của cộng đồng, bảo vệ đa dạng sinh học và chống lại việc phá rừng trái phép. |
Nam Trân
Bình luận