Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 00:11
Thứ hai, 17/06/2024 08:06
TMO - Thời gian qua, hoạt động của các cụm công nghiệp (CCN) tại Bình Định đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các CCN cũng phát sinh những tác động đến môi trường, ảnh hưởng nhất định đến đời sống và sản xuất của các khu dân cư lân cận.
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh có 42 CCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 62%. Tổng lưu lượng nước thải phát sinh (nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất) của các CCN ước tính khoảng hơn 2.760 m3/ngày đêm. Tỷ lệ các CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường (BVMT) chỉ đạt trên 16,6%.
Tính đến tháng 4/2024, hiện 7/42 CCN đã xây dựng hệ thống XLNT tập trung, gồm: CCN Cát Trinh, Cát Nhơn, Gò Mít (huyện Phù Cát); CCN Phước An; CCN Thanh Liêm, Gò Đá Trắng (TX.An Nhơn); CCN Phú An (huyện Tây Sơn). Tuy nhiên, chỉ hệ thống XLNT tại CCN Cát Trinh vận hành thường xuyên, liên tục. Hệ thống XLNT tại các CCN còn lại không hoạt động, không vận hành thường xuyên do bị hư hỏng hoặc nước thải chưa được đấu nối triệt để, không có đủ nước thải để hệ thống vận hành.
Bên cạnh đó, 21/42 CCN đã xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước mưa; còn lại 21/42 CCN chưa đầu tư xây dựng, nước chảy tràn tự nhiên theo khu vực CCN. Đặc biệt, chưa có CCN nào thực hiện hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống XLNT tập trung. Điều này không đảm bảo theo quy định tại Điều 97 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ; ảnh hưởng xấu đến môi trường, nhất là vấn đề nước thải.
Hoạt động sản xuất tại các cụm công nghiệp giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế tại tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết, qua theo dõi cho thấy, một số hệ thống xử lý hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân chính là chưa thu gom triệt để nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dẫn về hệ thống và công tác quản lý, vận hành chưa đồng bộ. Toàn bộ hệ thống xử lý nước thải các CCN chưa đầu tư lắp đặt trạm quan trắc tự động và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Điều 97 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo lý giải của nhiều địa phương, kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, XLNT tập trung tại CCN rất lớn. Trong khi nguồn lực của địa phương có hạn nên chưa thể thực hiện. Vấn đề thiếu kinh phí cũng khiến việc quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống XLNT gặp khó khăn.
Cùng với hệ thống xử lý nước thải, theo đánh giá của ngành chức năng về việc tuân thủ hồ sơ pháp lý và quy hoạch về môi trường của các CCN trên địa bàn, UBND tỉnh Bình Định cho biết, hiện có 23/38 CCN đã hoạt động có hồ sơ môi trường (Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết) được UBND tỉnh hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; có 3 CCN đã có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Một số CCN không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường; trong đó, một số CCN có vị trí rất gần khu dân cư, thậm chí có dân cư sinh sống ổn định, xen lẫn trong CCN. Nhiều CCN có tỷ lệ diện tích cây xanh chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định và chưa có vành đai cây xanh để hạn chế tác động đến các khu dân cư lân cận.
Việc hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường nhất là hệ thống quan trắc tự động chất lượng nguồn nước thải cụm công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng cần được địa phương này triển khai trong thời gian tới.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định về Phương án xử lý nước thải các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, toàn bộ các CCN phải khẩn trương đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo đồng bộ hệ thống thu gom nước thải, tách riêng với hệ thống thu gom và thoát nước mưa. Các CCN có lượng nước thải hiện tại hoặc dự báo đến năm 2025 từ 50 m3/ngày đêm trở lên phải ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và trạm quan trắc tự động.
Các CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung phải khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng và đầu tư nâng cấp, cải tạo để đưa vào hoạt động đảm bảo; yêu cầu toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong CCN phải thu gom nước thải đảm bảo và đấu nối vào hệ thống thoát nước thải của CCN; đồng thời, đầu tư bổ sung trạm quan trắc tự động nước thải. Trong thời gian chưa đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, phải yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các CCN tự xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải nước thải ra môi trường.
Đối với các CCN đã có kế hoạch di dời hoặc dừng hoạt động nhưng hiện vẫn còn hoạt động, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư CCN có trách nhiệm rà soát, vận hành đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải (nếu có) và yêu cầu các các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong CCN phải thu gom và xử lý nước thải theo hồ sơ môi trường được phê duyệt. Đối với các CCN mới thành lập phải đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung mới được phép đi vào hoạt động.
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, UBND tỉnh Bình Định cũng xác định nội dung và phân kỳ đầu tư các hệ thống thu gom và xử lý nước thải đối với các CCN và làng nghề trên địa bàn. Theo đó, với 10/38 CCN đã có hệ thống thu gom nước thải phải thực hiện việc nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom nước thải và thực hiện đấu nối đồng bộ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong CCN, hoàn thành trong năm 2023.
Với các CCN còn lại đã hoạt động nhưng chưa có hệ thống thu gom nước thải phải đầu tư đồng bộ hệ thống hệ thống thu gom nước thải tách riêng với hệ thống thu gom, thoát nước mưa và đấu nối đồng bộ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong CCN, hoàn thành trong giai đoạn 2023-2024. Với 6/38 CCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung phải thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng và đầu tư nâng cấp, cải tạo để đưa vào hoạt động đảm bảo, hoàn thành trong năm 2023; đầu tư lắp đặt trạm quan trắc tự động để truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, hoàn thành trong năm 2024.
Theo phương án phát triển cụm công nghiệp của tỉnh Bình Định, tới năm 2030, trên địa bàn sẽ có 68 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.470 ha. Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy hoạt động sản xuất tại các cụm công nghiệp gắn chặt với công tác bảo vệ môi trường, việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng cần được địa phương này đẩy mạnh triển khai.
Phương Thu
Bình luận