Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 16:11
Thứ bảy, 07/01/2023 18:01
TMO – Cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần bổ sung quan điểm tổ chức không gian phát triển liên quan đến tài nguyên khoáng sản.
Sáng 7/1, Quốc hội thảo luận cho ý kiến vào quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Băn khoăn bởi Quy hoạch tổng thể quốc gia bao trùm nhiều lĩnh vực, đại biểu Phạm Văn Hòa (đại biểu Quốc hội Đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến, cần đánh giá kỹ lưỡng thực trạng phát triển của nhiều lĩnh vực. Ông Hoà cho rằng, điều kiện tự nhiên của đất nước ta là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lực cạnh tranh, làm cơ sở cho xây dựng quy hoạch chung của đất nước. Việc đánh giá thực trạng phát triển trên các lĩnh vực là rất cần thiết, đặc biệt là về hàng lang kinh tế, trục kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, qua đó có cơ sở đưa ra định hướng triển khai cho thời gian tới. Bên cạnh đó, hiệu quả của việc phát triển các vùng, ngành, lĩnh vực cụ thể như lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, tình trạng khai thác khoáng sản, tài nguyên dưới lòng đất, tác động lâu dài của các tài nguyên này ảnh hưởng ra sao khi đã khai thác triệt để, có ảnh hưởng đến môi trường thế nào, có tích lũy được tài nguyên cho các thế hệ sau hay không (?)
Góp ý liên quan đến vùng Tây Nguyên để làm rõ hơn một số nội dung có liên quan trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum) cho rằng, vấn đề an ninh nguồn nước tại khu vực Tây Nguyên và các vùng khác trong thời gian tới sẽ là vấn đề nóng và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Trong khi đó, mục tiêu phát triển nông nghiệp tới năm 2030 đã xác định tại khu vực Tây Nguyên là nâng cao hiệu quả các diện tích cây công nghiệp như là cây cà phê, hồ tiêu, cao su và chè, cây dược liệu, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế. Bà Phước kiến nghị cần có định hướng cụ thể để đảm bảo nguồn nước tưới cây cà phê, cây chủ lực của Tây Nguyên, đảm bảo cho việc phát triển trong thời gian tới.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai), Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ mới quan trọng nhưng hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Do đó, việc xác định các nội dung của quy hoạch phải được tính toán một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược, phải rõ cụ thể nhưng cũng không được mâu thuẫn thay thế cho các nội dung đã được xác định trong các văn bản khác. Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động. Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào, Nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý.
Về đảm bảo nguồn nước, công trình thủy lợi; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn Yên Bái) cho rằng, cần có tầm nhìn quy hoạch về đảm bảo nguồn nước, công trình thủy lợi; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất. Khai thác nguồn nước, hệ sinh thái rừng không hiệu quả, tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Khang Thị Mào cho rằng, cần phải đảm bảo an toàn hồ đập, an ninh nguồn nước. Theo đó, cần có tầm nhìn quy hoạch về đảm bảo nguồn nước, công trình thủy lợi; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước. Bên cạnh đó, cần sớm quy hoạch ngành quốc gia, kiểm soát nguồn nước, đê điều, cung cấp nguồn nước sạch.
Đối với khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản, ông Nguyễn Tuấn Anh, đại biểu Quốc hội (Đoàn Long An) góp ý, cần giải pháp cụ thể để sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế. Ông cho rằng cần bổ sung quan điểm tổ chức không gian phát triển liên quan đến tài nguyên và khoáng sản. Dự thảo nghị quyết nêu quan điểm phải sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và khoáng sản. Về vấn đề này, Nghị quyết 39 năm 2019 và Nghị quyết số 10 năm 2022 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả, việc chế biến, sử dụng khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết. Do đó, trong thời gian tới cần có giải pháp cụ thể để khai thác, sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính....
Đối với khoa học công nghệ, ông Nguyễn Tâm Hùng, đại biểu Quốc hội (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, cùng với đất đai thì tài nguyên không tái tạo, khoa học công nghệ là nguồn lực cần được nghiên cứu cụ thể để bảo đảm sự phát triển lâu dài của đất nước. Ông đề nghị Chính phủ cụ thể hóa vấn đề này khi dự luật được Quốc hội thông qua. Trong đó, ông Hùng nhấn mạnh vấn đề cần đặc biệt quan tâm là phân bố các khu công nghiệp, kinh tế, chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ven biển, kinh tế cửa khẩu, các vùng sản xuất tập trung; bổ sung đánh giá việc thành lập các vùng kinh tế trọng điểm, các hành lang kinh tế, phát huy sức mạnh vùng trong quy hoạch.
Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đánh giá việc quy hoạch, sử dụng đất tại các địa phương còn nhiều vướng mắc, kéo theo bất cập trong phân bổ các loại đất cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhất là khu công nghiệp, công nghệ cao, đất cho giao thông, cơ sở hạ tầng khác. Ông Hải kiến nghị cần bổ sung định hướng sử dụng đất đối với khu công nghệ cao. Đây là nội dung rất quan trọng nhưng trong dự thảo chưa đề cập đến.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại phiên bế mạc diễn ra vào chiều 9/1/2023.
Lê Hùng
Bình luận