Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ bảy, 25/11/2023 04:11
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Văn bản hợp nhất 09/VBHN-BTNMT 2023 Thông tư quy định xây dựng kế hoạch tác động vào thời tiết.
Theo đó, Thông tư mới quy định việc xây dựng, thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết theo quy định tại khoản 8 Điều 44 của Luật khí tượng thủy văn. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tác động vào thời tiết. Về việc xây dựng kế hoạch tác động vào thời tiết, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 43 của Luật khí tượng thủy văn có nhu cầu tác động vào thời tiết lập kế hoạch tác động vào thời tiết theo quy định tại Phụ lục số 01 Thông tư này gửi Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Kế hoạch tác động vào thời tiết thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 42 của Luật khí tượng thủy văn được xây dựng, phê duyệt và thực hiện đối với từng lần tác động vào thời tiết. Kế hoạch tác động vào thời tiết thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 42 của Luật khí tượng thủy văn được xây dựng, phê duyệt và thực hiện nhiều lần trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được phê duyệt.
Đối với tham vấn ý kiến về kế hoạch tác động vào thời tiết, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư này trong quá trình xây dựng kế hoạch tác động vào thời tiết phải tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư khu vực trực tiếp chịu ảnh hưởng theo quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật khí tượng thủy văn, quy trình thực hiện như sau: Cơ quan, tổ chức gửi kế hoạch tác động vào thời tiết đến UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) hoặc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp huyện) theo từng trường hợp quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này, kèm theo văn bản đề nghị cho ý kiến. Trong thời hạn tối đa 20 ngày làm việc, UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện có văn bản phản hồi đối với từng nội dung của kế hoạch tác động vào thời tiết, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan, tổ chức lập kế hoạch tác động vào thời tiết.
Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về kế hoạch tác động vào thời tiết được tiến hành dưới hình thức họp cộng đồng dân cư gồm thành phần đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và đại diện một số tổ dân phố, thôn, bản nơi chịu tác động trực tiếp từ kế hoạch tác động vào thời tiết.
Ảnh minh họa.
Trường hợp khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ kế hoạch tác động vào thời tiết trong địa bàn đơn vị hành chính cấp xã thì cơ quan, tổ chức lập kế hoạch tác động vào thời tiết phối hợp với UBND cấp xã khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp tổ chức họp cộng đồng dân cư. UBND cấp xã mời thành phần quy định tại khoản 2 Điều này tham dự họp cộng đồng dân cư. Trường hợp khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ kế hoạch tác động vào thời tiết liên quan tới địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì cơ quan, tổ chức lập kế hoạch tác động vào thời tiết phối hợp với UBND cấp huyện lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư của các đơn vị hành chính cấp xã nơi dự kiến thực hiện kế hoạch.
Trường hợp khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ kế hoạch tác động vào thời tiết liên quan tới địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì cơ quan, tổ chức lập kế hoạch tác động vào thời tiết phối hợp với từng UBND cấp huyện lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư của các đơn vị hành chính cấp xã nơi dự kiến thực hiện kế hoạch. UBND cấp huyện được lấy ý kiến quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này mời đại diện các thành phần quy định tại khoản 2 Điều này tham gia họp cộng đồng dân cư thông qua UBND cấp xã khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Cơ quan, tổ chức lập kế hoạch tác động vào thời tiết có trách nhiệm lập báo cáo tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư. Ý kiến của đại biểu tham dự cuộc họp cộng đồng dân cư phải được thể hiện đầy đủ, trung thực trong biên bản họp và báo cáo tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư gửi kèm theo hồ sơ kế hoạch tác động vào thời tiết đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Thông tư cũng quy định về việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết Hồ sơ đề nghị thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết; thẩm định kế hoạch tác động vào thời tiết; hồ sơ trình phê duyệt kế hoạch tác động vào thời tiết; điều chỉnh kế hoạch tác động vào thời tiết; tiếp nhận và trả kết quả giải quyết Hồ sơ đề nghị điều chỉnh kế hoạch tác động vào thời tiết; thẩm định điều chỉnh kế hoạch tác động vào thời tiết; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan; hiệu lực thi hành. Trong đó, hồ sơ trình phê duyệt kế hoạch tác động vào thời tiết gồm: Tờ trình phê duyệt và dự thảo Quyết định phê duyệt kế hoạch; Báo cáo thẩm định theo quy định tại khoản 6, điều 6 Thông tư này; Kế hoạch tác động vào thời tiết đã được hoàn thiện; Văn bản thẩm định, góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Hồ sơ tài liệu, văn bản liên quan đến kế hoạch tác động vào thời tiết.
Căn cứ khoản 20 Điều 3 Luật Khí tượng Thủy văn 2015, tác động vào thời tiết là tác động của con người lên các quá trình vật lý và hoá học của khí quyển thông qua các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm ngăn ngừa hay giảm nhẹ thiên tai hoặc tạo ra một dạng thời tiết thuận lợi trong một khu vực cụ thể, trong khoảng thời gian xác định để phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Các trường hợp tác động vào thời tiết được quy định tại Điều 42 của Luật này bao gồm: Tác động nhằm gây mưa hoặc tăng lượng mưa. Tác động nhằm giảm cường độ mưa hoặc để không xảy ra mưa. Tác động nhằm phá hoặc giảm cường độ mưa đá. Tác động nhằm phá hoặc giảm cường độ sương mù. Cơ quan, tổ chức thực hiện tác động vào thời tiết bao gồm: Tổ chức sự nghiệp công lập về khí tượng thủy văn. Tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức kinh tế của Việt Nam có đủ năng lực, trình độ khoa học và công nghệ, đội ngũ kỹ thuật viên phù hợp với hoạt động tác động vào thời tiết. Cơ quan, tổ chức nước ngoài liên danh, liên kết với tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 43 của Luật Khí tượng Thủy văn 2015.
Thu Quỳnh
Bình luận