Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Thứ sáu, 08/12/2023 07:12
TMO - Trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu được quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường. Hiện nay, quy định này đã được quy định chi tiết thi hành tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.
Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm như: pin - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp, điện - điện tử, phương tiện giao thông và một số bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm; thuốc; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chất tẩy rửa, chế phẩm gia dụng, nông nghiệp, y tế; xi măng) sẽ có trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc. Về lộ trình, từ 1/1/2024 nhà sản xuất, nhập khẩu pin - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp và một số bao bì bắt đầu thực hiện trách nhiệm tái chế. Tiếp đến các sản phẩm điện – điện tử sẽ thực hiện từ 1/1/2025 và từ 1/1/2027 là các sản phẩm phương tiện giao thông.
Ảnh minh họa.
Theo Điều 77 và Phụ lục XXII của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm: dầu nhớt, điện – điện tử, ắc quy, pin sạc nhiều lần, săm lốp phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo lộ trình, tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc. Bao bì (thương phẩm) của các sản phẩm dầu nhớt, điện – điện tử, ắc quy, pin sạc nhiều lần và săm lốp không thuộc nhóm bao bì của các loại sản phẩm, hàng hoá quy định tại khoản 2, Điều 77 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Do vậy, Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dầu nhớt, điện-điện tử, ắc quy, pin sạc nhiều lần và săm lốp không phải thực hiện trách nhiệm tái chế đối với các bao bì thương phẩm của các sản phẩm này.
Về cách thức, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế của mình, đó là tự mình tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu chọn đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì (không tự mình thực hiện tái chế) thì số tiền đóng góp theo từng loại sản phẩm, bao bì được tính theo công thức: F = R x V x FsTrong đó: F là tổng số tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải nộp theo từng loại sản phẩm, bao bì (đơn vị tính: đồng); R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì (đơn vị tính: %); V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu (đơn vị tính: kg); Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì.
Theo khoản 3 Điều 77 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì trong một số trường hợp, nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì không phải thực hiện trách nhiệm tái chế, bao gồm: Sản xuất sản phẩm, bao bì để xuất khẩu; Tạm nhập, tái xuất sản phẩm, bao bì; Sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm (không vì mục đích thương mại); Nhà sản xuất bao bì có doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng; Nhà nhập khẩu bao bì có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.
Hải Nam
Bình luận