Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Thứ năm, 28/09/2023 07:09
TMO - Nước dưới đất có vai trò rất quan trọng trong việc khai thác để phục vụ sinh hoạt và sản xuất ở nước ta. Tuy nhiên, với áp lực khai thác liên tục, nước dưới đất tại một địa phương đang có dấu hiệu bị suy thoái và cạn kiệt. Việc kiểm soát hoạt động này thông qua những quy định về thăm dò, hồ sơ cấp phép khai thác nước dưới đất được quy định chặt chẽ.
Điều 14 Nghị định 02/2023/NĐ-CP quy định: Trước khi xây dựng công trình khai thác nước dưới đất hoặc điều chỉnh tăng lưu lượng khai thác vượt quá 25% lưu lượng quy định trong giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đã cấp mà có khoan bổ sung giếng khai thác, chủ đầu tư phải thực hiện thăm dò để đánh giá trữ lượng, chất lượng, khả năng khai thác và phải có giấy phép thăm dò, trừ các trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất không phải xin cấp phép. Tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất phải đáp ứng đủ các điều kiện về hành nghề khoan nước dưới đất theo quy định và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.
Trong quá trình thăm dò, tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất có nghĩa vụ: Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và công trình thăm dò; Bảo đảm phòng, chống sụt, lún đất, xâm nhập mặn, ô nhiễm các tầng chứa nước; Trám, lấp giếng hỏng hoặc không sử dụng sau khi kết thúc thăm dò; Thực hiện các biện pháp khác để bảo vệ nước dưới đất, bảo vệ môi trường.
Chủ đầu tư thăm dò có nghĩa vụ: Phối hợp với tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định tại khoản 3 Điều này, nếu phát hiện có vi phạm thì phải dừng ngay việc thăm dò; Trường hợp xảy ra sự cố thì phải khắc phục kịp thời, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; Nộp báo cáo kết quả thăm dò cho cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ quy định.
Ảnh minh họa.
Giấy phép thăm dò nước dưới đất có thời hạn là 02 năm và được xem xét gia hạn 01 làn, thời gian gia hạn không quá 01 năm; Căn cứ điều kiện của từng nguồn nước, mức độ chi tiết của thông tin, số liệu điều tra, đánh giá tài nguyên nước và hồ sơ đề nghị cấp hoặc gia hạn giấy phép của tổ chức, cá nhân, cơ quan cấp phép quyết định cụ thể thời hạn của giấy phép. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của tổ chức, cá nhân nộp trước ngày giấy phép đã được cấp trước đó hết hiệu lực thi thời điểm hiệu lực ghi trong giấy phép được tính nối tiếp với thời điểm hết hiệu lực của giấy phép đã được cấp trước đó.
Tại Điều 23 Nghị định này quy định các trường hợp điều chỉnh giấy phép thăm dò nước dưới đất: Điều kiện mặt bằng không cho phép thi công một số hạng mục thăm dò đã được phê duyệt; Tăng quy mô lưu lượng thăm dò nhưng không vượt quá 25% theo giấy phép đã được cấp hoặc thay đổi tầng chứa nước thăm dò; Khối lượng hạng mục khoan thăm dò vượt quá 10% so với khối lượng đã được phê duyệt.
Trường hợp điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất mà có bổ sung giếng thì phải có phương án thiết kế, thi công giếng, dự kiến tác động của việc khai thác, sử dụng nước đến nguồn nước và đến các đối tượng khai thác, sử dụng nước khác và được cơ quan thẩm định quy định tại Điều 29 của Nghị định này chấp thuận bằng văn bản trước khi thi công. Trong thời hạn 30 ngày sau khi hoàn thành việc thi công giếng, chủ công trình phải nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép theo quy định.
Trường hợp khoan giếng mới tương tự để thay thế giếng cũ bị hỏng, suy thoái hoặc bị giải tỏa với thông số khai thác không thay đổi thì không phải thực hiện thủ tục đề nghị điều chỉnh giấy phép nhưng phải được cơ quan thẩm định quy định tại Điều 29 của Nghị định này xem xét, chấp thuận phương án khoan giếng thay thế và xác nhận bằng văn bản sau khi hoàn thành việc khoan thay thế. Văn bản xác nhận là thành phần không thể tách rời của giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đã được cấp. Số lượng giếng thay thế không được vượt quá 50% số lượng giếng theo giấy phép được cấp. Khoảng cách giếng thay thế không được vượt quá 1,5 lần chiều dày tầng chứa nước khai thác tại giếng đó, trường hợp vượt quá thì phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy phép.
Hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò nước dưới đất bao gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép; Đề án thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên; thiết kế giếng thăm dò đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm. Hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò nước dưới đất bao gồm: Đơn đề nghị gia hạn hoặc điều chỉnh nội dung giấy phép; Báo cáo tình hình thực hiện các quy định trong giấy phép.
Bích Ngọc
Bình luận