Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 12:01
Thứ sáu, 29/12/2023 07:12
TMO - Định khung giá rừng căn cứ vào nhu cầu của địa phương trong quản lý rừng và kết quả định giá rừng; khung giá rừng tính theo đơn vị hành chính cấp huyện và tương đương, được tổng hợp cho toàn tỉnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 20/2023/TT-BNNPTNT quy định phương pháp định giá rừng; hướng dẫn định khung giá rừng. Theo đó, xác định diện tích các loại rừng trong khu vực rừng định giá, gồm: Diện tích các trạng thái rừng tự nhiên theo rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Diện tích các loại rừng trồng đặc dụng, phòng hộ ven biển; rừng trồng đặc dụng, phòng hộ khác. Diện tích các loại rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ, gỗ lớn.
Điều tra, thu thập thông tin, dữ liệu của các trạng thái rừng, loại rừng đã xác định phục vụ cho xác định giá rừng, gồm: Điều tra diện tích, trữ lượng gỗ, củi và lâm sản ngoài gỗ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng. Điều tra, thu thập thông tin về giá bán gỗ, củi và lâm sản ngoài gỗ theo phương pháp điều tra, phỏng vấn tại các cơ sở, cá nhân có đăng ký kinh doanh hoạt động mua, bán lâm sản. Tỷ lệ điều tra khảo sát tối thiểu là 30% số cơ sở, cá nhân có hoạt động mua, bán lâm sản hợp pháp trong khu vực. Các thông tin khác phục vụ định giá rừng được thực hiện theo quy định tại Chương II và Chương III Thông tư 20/2023/TT-BNNPTNT.
Ảnh minh họa.
Theo quy định, định giá các loại rừng đã xác định ở khu vực rừng cần định giá thực hiện theo phương pháp quy định tại Chương II và Chương III Thông tư 20/2023/TT-BNNPTNT. Theo Thông tư, giá trị rừng tự nhiên, rừng trồng tối thiểu là giá trị trung bình thấp nhất của các giá trị rừng thành phần, xác định cho cùng trạng thái rừng, loại rừng từ kết quả tính toán tại các điểm điều tra.
Giá trị rừng tự nhiên, rừng trồng tối đa là giá trị trung bình cao nhất của các giá trị rừng thành phần, xác định đối với cùng trạng thái rừng, loại rừng từ kết quả tính toán tại các điểm điều tra. Giá trị rừng tối thiểu, tối đa thành phần được tính theo phương pháp bình quân gia quyền. Giá rừng tối thiểu, tối đa xác định trong các trường hợp được quy định tại Mục 2 Chương II và Mục 2 Chương III và được tính theo phương pháp bình quân gia quyền.
Khung giá rừng xác định là khoảng giá trị từ giá trị trung bình thấp nhất đến giá trị trung bình cao nhất của tất cả các loại rừng định giá; khung giá rừng xây dựng cho các trường hợp định giá rừng. Ví dụ về xác định giá tối thiểu, tối đa, khung giá trị lâm sản nêu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 20/2023/TT-BNNPTNT. Thông tư 20/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.
Ngoài ra, việc định giá rừng, định khung giá rừng tuân thủ các quy định sau: Giá trị rừng là tổng giá trị các yếu tố cấu thành hệ sinh thái rừng và các giá trị môi trường rừng tại một thời điểm, trên một diện tích rừng xác định. Định giá rừng bao gồm các hoạt động nhằm xác định tổng giá trị kinh tế của rừng. Phù hợp với giá trị lâm sản và giá trị dịch vụ môi trường rừng đang giao dịch trên thị trường tại thời điểm định giá; Phù hợp với từng loại rừng gắn với quy định về quyền sử dụng rừng, khả năng sinh lợi và thu nhập từ rừng; Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và khoa học.
Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận (nếu có) hoặc tích lũy theo quy định của pháp luật (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường; bảo đảm phù hợp với cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; Định giá rừng, định khung giá rừng đảm bảo phù hợp với từng trạng thái rừng, loại rừng cho các trường hợp cụ thể được quy định tại Mục 2 Chương II và Mục 2 Chương III Thông tư trên; Định khung giá rừng căn cứ vào nhu cầu của địa phương trong quản lý rừng và kết quả định giá rừng; khung giá rừng tính theo đơn vị hành chính cấp huyện và tương đương, được tổng hợp cho toàn tỉnh.
Thu Hương
Bình luận