Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ tư, 25/10/2023 07:10
TMO - Để đảm bảo tính hiệu quả và răn đe trong quá trình thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường đã đưa ra mức hình phạt nghiêm khắc đối với các nhà sản xuất, nhập khẩu có hành vi gian lận trong quá trình thực hiện trách nhiệm tái chế.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ - CP quy định, nhà sản xuất, nhập có trách nhiệm khẩu trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì đối với các nhóm sản phẩm như: pin, ắc quy; dầu nhớt; săm, lốp; điện, điện tử; phương tiện giao thông và nhóm bao bì mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi…
Với quy định, trách nhiệm này sẽ thực hiện từ năm 2024 trở đi và nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai hình thức: Tự mình tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Nếu nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn tự mình tổ chức tái chế thì có thể tự thực hiện tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế hoặc ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế hoặc kết hợp các cánh thức nêu trên. Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu không tự mình tổ chức tái chế mà lựa chọn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế thì nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ đóng tiền theo định mức tái chế (Fs).
Theo Điều 32 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP thì nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm tái chế theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo từng hành vi vi phạm cụ thể, mức phạt tiền có thể lên tới 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, nhà sản xuất, nhập khẩu vi phạm còn buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
(Ảnh minh họa).
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không công khai hoặc công khai không đầy đủ thông tin về sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo quy định; Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định đăng ký kế hoạch tái chế, kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ tái chế, báo cáo kết quả tái chế tùy theo mức độ vi phạm;
Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc, quy cách tái chế bắt buộc và nộp tiền đóng góp hỗ trợ tái chế tùy theo mức độ vi phạm; Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 900.000.000 đồng đối với hành vi nộp tiền đóng góp hỗ trợ tái chế quá thời hạn quy định tùy theo mức độ vi phạm;
Phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện trách nhiệm tái chế hoặc không nộp tiền đóng góp hỗ trợ tái chế hoặc chậm nộp, nộp không đủ tiền đóng góp hỗ trợ tái chế quá thời hạn 91 ngày trở lên; Phạt tiền từ 850.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tự thực hiện tái chế, ký hợp đồng thực hiện tái chế, hợp đồng ủy quyền tổ chức thực hiện tái chế;
Phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Tái chế phế liệu nhập khẩu để xác định kết quả khối lượng tái chế cho nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc đề nghị hỗ trợ tái chế; Sử dụng một kết quả khối lượng tái chế để xác định tỷ lệ tái chế cho nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu; Sử dụng kết quả khối lượng tái chế đã xác định tỷ lệ tái chế cho nhà sản xuất, nhập khẩu để đề nghị được hỗ trợ tái chế hoặc đã được nhận hỗ trợ tái chế để xác định tỷ lệ tái chế cho nhà sản xuất, nhập khẩu; Sử dụng khối lượng tái chế không đạt quy cách tái chế bắt buộc để xác định kết quả khối lượng tái chế cho nhà sản xuất, nhập khẩu. Đây là mức phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm các quy định về tái chế sản phẩm, bao bì, là một trong các biện pháp bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm minh và hiệu quả.
Thu Trang
Bình luận