Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ sáu, 25/02/2022 16:02
TMO - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ra Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND về việc Ban hành quy định về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với từng loại vi phạm trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể: Đối tượng vi phạm tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà vị trí, diện tích, loại đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất, thì yêu cầu đối tượng vi phạm giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như tại thời điểm phát hiện vi phạm và phải thực hiện các thủ tục về đất đai và đầu tư, xây dựng, môi trường (nếu có công trình, dự án đầu tư xây dựng) theo quy định.
Đối với vi phạm chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng: buộc thu hoạch cây lâu năm, cây rừng; khôi phục lại mặt bằng như tình trạng ban đầu đủ điều kiện trồng lúa. Chuyển đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối: buộc thu hoạch vật nuôi thủy sản, muối; tháo dỡ các công trình, vật kiến trúc phục vụ nuôi trồng thủy sản, làm muối; khôi phục lại mặt bằng như tình trạng ban đầu đủ điều kiện trồng lúa.
Ảnh minh họa
Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp: buộc tháo dỡ các công trình, vật kiến trúc đã xây dựng trên đất; khôi phục lại mặt bằng như tình trạng ban đầu đủ điều kiện trồng lúa. Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang mục đích khác buộc thu hoạch cây trồng, vật nuôi; tháo dỡ các công trình, vật kiến trúc đã xây dựng trên đất; khôi phục lại mặt bằng như tình trạng ban đầu đủ điều kiện trồng rừng.
Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền một lần sang đất ở; chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền hàng năm sang đất ở: buộc tháo dỡ công trình, vật kiến trúc phục vụ mục đích nhà ở; khôi phục lại tình trạng ban đầu là đất theo mục đích đất được giao, cho thuê đất hoặc theo Giấy chứng nhận được cấp.
Đối với trường hợp làm biến dạng địa hình: Hành vi làm thay đổi độ dốc bề mặt đất thì phải san lấp điều chỉnh lại độ dốc bề mặt đất như trước khi vi phạm. Hành vi làm hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề thì phải san lấp khôi phục lại độ cao thửa đất hoặc phải san gạt đất trở lại trạng thái ngang bằng với thửa đất liền kề.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai tổ chức thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai; người có thẩm quyền xử phạt và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định có trách nhiệm thực hiện.
Vũ Minh Thủy
Bình luận