Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 20:11
Thứ ba, 05/03/2024 15:03
TMO - Luật Tài nguyên nước 2023 quy định: Bảo vệ nước dưới đất là thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa và xử lý theo pháp luật các hoạt động điều tra địa chất, tìm kiếm thăm dò, khai thác nước dưới đất trái phép, cũng như các hoạt động khác gây tổn thất hoặc ô nhiễm nguồn nước dưới đất và môi trường liên quan.
Căn cứ theo Điều 31 Luật Tài nguyên nước 2023, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc trám lấp giếng bị hỏng, không còn sử dụng hoặc không có kế hoạch tiếp tục sử dụng đối với các trường hợp sau đây: Khoan, đào giếng để điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác nước dưới đất; Khoan khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình xây dựng, xây dựng công trình ngầm; Khoan thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí và các dự án khác.
Tổ chức, cá nhân phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ nước dưới đất và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các trường hợp sau đây: Thiết kế, thi công các công trình khoan, đào, thí nghiệm trong các dự án điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác nước dưới đất; Khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình xây dựng, xây dựng công trình ngầm; thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí; Bơm hút nước tháo khô mỏ, tháo khô hố móng xây dựng gây hạ thấp mực nước dưới đất và các hoạt động khoan, đào, thí nghiệm khác.
Việc khoan điều tra, khảo sát, thăm dò và khoan khai thác nước dưới đất phải do tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện. Căn cứ kế hoạch bảo vệ nước dưới đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc khoanh định, công bố, điều chỉnh danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; quyết định đưa ra khỏi danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất khi nguồn nước dưới đất đã phục hồi.
Ảnh minh họa.
Việc xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phải bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan và được xem xét, khoanh định tại các khu vực sau đây: Khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ vượt ngưỡng khai thác nước dưới đất; Khu vực đã xảy ra sụt, lún đất hoặc có nguy cơ sụt, lún đất; Khu vực có nguồn nước dưới đất có nguy cơ bị xâm nhập mặn.
Trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác nước dưới đất trong vùng hạn chế khai thác nước dưới đất thì được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép và được cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nếu đủ điều kiện nhưng không vượt quá lưu lượng nước khai thác đã được cấp phép.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ nước dưới đất. Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải ban hành trong thời hạn không quá 03 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và được xem xét, điều chỉnh định kỳ 05 năm hoặc điều chỉnh đột xuất để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ nguồn nước. Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải xác định được các khu vực, tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần bảo vệ, phục hồi; khu vực cần khoanh định hoặc đưa ra khỏi vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; phương án khai thác nước dưới đất; khu vực cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất; giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước dưới đất.
Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trám lấp giếng quy định tại khoản 1 Điều này; quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động quy tại khoản 2 Điều này; quy định việc lập, điều chỉnh kế hoạch bảo vệ nước dưới đất quy định tại khoản 7 Điều này. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 và khoản 5 Điều này; quy định việc khoanh định, công bố, điều chỉnh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
Hoàng Thái
Bình luận