Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 09:01
Thứ hai, 13/01/2025 06:01
TMO - Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật. Đối tượng hỗ trợ là cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hoạt động sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại…
Cụ thể, Nghị định số 9/2025/NĐ-CP này quy định về chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, sản xuất muối hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật. Đối tượng hỗ trợ là cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (không bao gồm các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang) có hoạt động trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất muối (sau đây gọi là cơ sở sản xuất) bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.
Nghị định 9/2025/NĐ-CP quy định cụ thể mức hỗ trợ bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật như sau; Về mức hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật đối với diện tích lúa: Sau gieo trồng từ 1 đến 10 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha;
Sau gieo trồng từ trên 10 ngày đến 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; Sau gieo trồng trên 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha.
Về diện tích mạ: Thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha.
Về diện tích cây hằng năm khác: Giai đoạn cây con (gieo trồng đến 1/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha;
Giai đoạn cây đang phát triển (trên 1/3 đến 2/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha; Giai đoạn cận thu hoạch (trên 2/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 7.500.000 đồng/ha.
Về diện tích cây trồng lâu năm: Vườn cây ở thời kỳ kiến thiết cơ bản: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 12.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh thiệt hại đến năng suất thu hoạch nhưng cây không chết: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;
Nếu vườn cây ở thời kỳ kinh doanh thiệt hại làm cây chết hoặc được đánh giá là cây không còn khả năng phục hồi trở lại trạng thái bình thường; vườn cây đầu dòng ở giai đoạn được khai thác vật liệu nhân giống: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha;
Đối với cây giống trong giai đoạn vườn ươm được nhân giống từ nguồn vật liệu khai thác từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha.
(Ảnh minh hoạ: TV).
Về mức hỗ trợ đối với lâm nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật, đối với diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp mới trồng đến 1/2 chu kỳ khai thác: Thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha.
Đối với diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp trên 1/2 chu kỳ khai thác, diện tích rừng trồng gỗ lớn trên 03 năm tuổi: Thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 7.500.000 đồng/ha. Đối với diện tích vườn giống, rừng giống: Thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha.
Đối với diện tích cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm: Nhóm cây sinh trưởng nhanh, có thời gian gieo ươm dưới 12 tháng tuổi: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 40.000.000 đồng/ha, thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha. Nhóm cây sinh trưởng chậm, có thời gian gieo ươm dưới 12 tháng tuổi: thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha, thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha…
Bên cạnh đó, Nghị định 9/2025/NĐ-CP cũng quy định cụ thể trình tự, trách nhiệm của UBND các cấp trong thực hiện hỗ trợ. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp xã thành lập Tổ kiểm tra phối hợp với cơ sở sản xuất tiến hành thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại báo cáo UBND cấp xã để giải quyết. Tổ kiểm tra bao gồm đại diện UBND cấp xã, đại diện một số tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, đại diện thôn, tổ dân phố. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định mời đại diện UBND cấp huyện tham gia Tổ kiểm tra. Tổ kiểm tra thực hiện phối hợp với cơ sở sản xuất tổ chức thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ cụ thể báo cáo UBND cấp xã…
Không chỉ có vậy, Nghị định này cũng quy định trách nhiệm của các đối tượng thụ hưởng từ ngân sách Nhà nước phải cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về thông tin, số liệu thiệt hại.
Nghị định 9/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/2/2025; thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh… Thiệt hại do thiên tai xảy ra từ ngày 01 tháng 9 năm 2024 chưa được nhận hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP thì được thực hiện theo quy định tại Nghị định 9/2025/NĐ-CP.
Mai Trang
Bình luận