Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Chủ nhật, 14/01/2024 07:01
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát.
Theo Thông tư số 20/2023/TT-BTNMT, các cơ quan, tổ chức, cơ sở có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát sẽ bắt đầu thực thi theo quy chuẩn kể từ ngày 30/5/2024. Theo Quy chuẩn, hoạt động thu gom các chất được kiểm soát phải tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn và quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; có thiết bị chuyên dụng được kiểm định, hiệu chuẩn trước khi sử dụng theo quy định của pháp luật về đo lường. Các thiết bị bao gồm: máy thu hồi, bình chứa thu hồi, cân định lượng, bơm chân không, thiết bị kiểm tra rò rỉ, đồng hồ đo áp suất, thiết bị đo nhiệt độ, đồng hồ đo điện.
Việc thực hiện thu gom cần bảo đảm loại bỏ hoàn toàn khí không ngưng trong bình chứa thu hồi. Trong trường hợp bình chứa thu hồi mới chưa sử dụng, phải thu gom các chất riêng biệt theo từng loại, bình chứa thu hồi được ghi nhãn và luôn đặt theo phương thẳng đứng, sử dụng thiết bị kiểm tra rò rỉ trong suốt quá trình thực hiện và ghi chép sổ nhật ký hoạt động thu gom các chất được kiểm soát. Công tác vận chuyển các chất được kiểm soát phải tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn và phòng cháy, chữa cháy; phương tiện vận chuyển đủ điều kiện tham gia giao thông. Việc vận chuyển các chất được kiểm soát từ điểm thu gom để xử lý (tiêu hủy) các chất đó thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
Ảnh minh họa.
Yêu cầu về vận chuyển các chất được kiểm soát: Trường hợp sử dụng xe mô tô hoặc xe gắn máy, bình chứa thu hồi các chất được kiểm soát phải được đặt theo phương thẳng đứng, gắn chặt trên giá để hàng (phía sau vị trí ngồi lái) của xe mô tô, xe gắn máy. Kích thước của bình chứa thu hồi gắn trên xe mô tô, xe gắn máy bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Trường hợp sử dụng xe tải thùng hở hoặc xà lan, bình chứa thu hồi các chất được kiểm soát phải được đặt theo phương thẳng đứng và có phủ bạt kín che nắng, mưa.
Trường hợp sử dụng các phương tiện khác, thực hiện theo quy định của pháp luật về vận chuyển hóa chất và có ít nhất một cảm biến phát hiện rò rỉ các chất được kiểm soát. Thực hiện ghi chép sổ nhật ký hoạt động vận chuyển các chất được kiểm soát với thông tin tối thiểu như sau: số hiệu môi chất lạnh; khối lượng hoặc thể tích của chất được kiểm soát; thời gian vận chuyển, địa điểm tiếp nhận các chất được kiểm soát.
Về lưu giữ các chất được kiểm soát, các bình chứa thu hồi phải được đặt theo phương thẳng đứng và không được lăn hoặc tác động mạnh. Đối với các chất có tính cháy ở mức A2, A3 (TCVN 6739:2015) phải được lưu giữ, bảo quản tương tự như khí dầu mỏ hóa lỏng hoặc bất kỳ loại khí dễ cháy khác và tuân thủ quy định pháp luật về lưu giữ, bảo quản an toàn khí. Quy định về yêu cầu đối với khu vực lưu giữ các chất được kiểm soát, gồm: Có đầy đủ thiết bị phòng cháy, chữa cháy; Bảo đảm thông gió thường xuyên, tránh ánh nắng, các nguồn nhiệt, nguy cơ cháy khác; Mặt sàn không được trũng; Có phân chia ô hoặc khu vực lưu giữ riêng cho từng loại chất được kiểm soát.
Trường hợp lưu giữ trong không gian kín phải có ít nhất một cảm biến phát hiện rò rỉ các chất được kiểm soát. Về tái chế các chất được kiểm soát, phải sử dụng thiết bị chuyên dụng để thu lại nguyên chất các chất được kiểm soát. Quy định về chất lượng của chất được kiểm soát sau khi tái chế theo các thông số kỹ thuật đối với từng trường hợp nguyên chất, hợp chất đồng sôi hay hợp chất không đồng sôi. Chất sau khi tái chế phải lưu giữ trong các bình chứa thu hồi, dán nhãn có dòng chữ “[Số hiệu môi chất lạnh] tái chế” và phải được công bố hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường.
Quy chuẩn về tái sử dụng các chất được kiểm soát áp dụng đối với tổ chức, cơ sở sở hữu thiết bị có chứa các chất được kiểm soát quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT. Tổ chức, cơ sở sử dụng thiết bị đo nhanh tại hiện trường để quyết định tái sử dụng. Trường hợp cần làm sạch chất được kiểm soát tại hiện trường, tổ chức, cơ sở sử dụng các biện pháp kỹ thuật cơ - lý đơn thuần, phin sấy lọc để loại bỏ dầu, nước, khí không ngưng, tạp chất dễ bay hơi và tạp chất hạt/rắn trong chất được kiểm soát.
Việc xử lý (tiêu hủy) các chất được kiểm soát thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại. Yêu cầu về công nghệ xử lý các chất được kiểm soát phải bảo đảm tuân thủ yêu cầu về công nghệ xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, khí hậu.
Bích Hồng
Bình luận