Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 04:01
Thứ năm, 13/04/2023 13:04
TMO - Triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt và hướng dẫn các tỉnh, thành phố lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08:2023/BTNMT) được ban hành để quản lý, đánh giá, phân loại chất lượng môi trường nước mặt, làm căn cứ cho việc bảo vệ, sử dụng nguồn nước hiệu quả.
Theo QCVN 08:2023/BTNM, nước mặt là nước tồn tại trên bề mặt lục địa hoặc hải đảo, bao gồm: sông, suối, kênh, mương, khe, rạch, hồ, ao, đầm. Quy chuẩn bao gồm các thông số ô nhiễm gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và các thông số bảo vệ môi trường sống dưới nước để phân loại chất lượng nước mặt. Quy chuẩn này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình.
Từ các thông số ảnh hưởng tới sức khỏe con người, quy chuẩn đã quy định với 40 thông số. So với QCVN 08-MT/2015 cũ, quy chuẩn mới bổ sung thêm 12 hợp chất hữu cơ là các dung môi sử dụng phổ biến trong công nghiệp. Dữ liệu quan trắc để đánh giá chất lượng là giá trị trung bình hàng năm với tần suất quan trắc tối thiểu là 6 lần/năm. Chất lượng nước tại 1 điểm đo được đánh giá là không đáp ứng mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người nếu giá trị trung bình số học hàng năm của ít nhất 1 thông số vượt quá ngưỡng quy định.
Ảnh minh họa.
Các thông số cơ bản để đánh giá chất lượng nước gồm 10 thông số. Giá trị giới hạn các thông số là giá trị trung bình hàng năm với tần suất quan trắc tối thiểu là 10 lần/năm. Chất lượng nước được phân thành 4 mức A, B, C, D. Việc phân loại chất lượng nước theo 4 mức nhằm đưa ra mục tiêu cải thiện chất lượng nước cho nhóm các thông số ảnh hưởng tới đời sống thủy sinh, bảo đảm cho mục đích đánh giá nồng độ các độc tố ảnh hưởng tới sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Cụ thể, mức A có chất lượng nước tốt và có thể được sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, bơi lội, vui chơi dưới nước sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Chất lượng nước trung bình thuộc mức B, nước có thể sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp, nông nghiệp sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp.
Mức C có chất lượng nước xấu, có thể được sử dụng cho các mục đích sản xuất công nghiệp sau khi áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Ở mức D, nước có chất lượng rất xấu, có thể gây ảnh hưởng lớn tới cá và các sinh vật sống trong môi trường nước. Nước có thể được sử dụng cho các mục đích giao thông thủy và các mục đích khác với yêu cầu nước chất lượng thấp.
Dữ liệu quan trắc để đánh giá, phân loại chất lượng nước sông, suối, kênh, mương, khe, rạch bao gồm giá trị trung bình số học hàng năm tại từng điểm đo đặc trưng, ít bị tác động cục bộ trong 1 khu vực sông, suối, kênh, mương, khe, rạch với tần suất quan trắc tối thiểu là 10 lần/năm; Dữ liệu quan trắc để đánh giá, phân loại chất lượng nước hồ, ao, đầm là giá trị trung bình số học hàng năm của tất cả các điểm quan trắc trong hồ, ao, đầm với tần suất quan trắc tối thiểu là 10 lần/năm.
Việc phân loại chất lượng nước theo 4 mức nhằm đưa ra mục tiêu cải thiện chất lượng nước cho nhóm các thông số ảnh hưởng tới đời sống thủy sinh. Để bảo đảm cho mục đích đánh giá nồng độ các độc tố ảnh hưởng tới sức khỏe con người và hệ sinh thái, tùy từng khu vực cần phải lựa chọn các thông số quy định
Các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng nước mặt cần lưu ý, đảm bảo nguồn nước sử dụng phải được xử lý đạt quy chuẩn về chất lượng nước theo từng mục đích sử dụng; Trường hợp áp dụng các biện pháp xử lý nước phù hợp đối với từng thông số ô nhiễm đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng nước theo từng mục đích sử dụng, chất lượng nước sau xử lý có thể được sử dụng cho mục đích sạch hơn các mục đích sử dụng.
Ngân Hoàng
Bình luận