Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 04:01
Thứ hai, 10/04/2023 04:04
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí (QCVN 05:2023/BTNMT), thay thế cho QCVN 05:2013/BTNMT và QCVN 06:2009/BTNMT.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí quy định giá trị giới hạn tối đa các thông số cơ bản và các thông số độc hại trong không khí xung quanh. Quy chuẩn này áp dụng để giám sát, đánh giá chất lượng không khí xung quanh và không áp dụng đối với không khí trong nhà.
Trong đó, quy định giá trị giới hạn tối đa của các thông số cơ bản, gồm SO2, CO, NO2, O3, tổng bụi lơ lửng, bụi PM 10, PM 2.5 và các thông số độc hại trong không khí xung quanh để cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có các hoạt động liên quan đến chất lượng không khí trên lãnh thổ Việt Nam tuân thủ. Giá trị giới hạn các thông số được quy định tính theo trung bình 1 giờ, 8 giờ, 24 giờ và trung bình năm.
Ảnh minh họa.
Giới hạn tối đa các thông số cơ bản trong không khí xung quanh được quy định như sau: Nồng độ SO2 không vượt quá 350 µg/Nm3/giờ, 50 µg/Nm3/năm ; nồng độ CO không quá 30.000 µg/Nm3/giờ và không quá 10.000 µg/Nm3/8 giờ; nồng độ NO2 và O3 không quá 200 µg/Nm3/giờ; tổng bụi lơ lửng không vượt ngưỡng 300 µg/Nm3/giờ, 200 µg/Nm3/24 giờ và giá trị trung bình năm không vượt 100 µg/Nm3; nồng độ bụi PM 10 không vượt ngưỡng 100 µg/Nm3/24 giờ và 50 µg/Nm3/năm.
Giá trị trung bình năm nồng độ bụi PM 2.5 không quá 25 µg/Nm3. Đối với các thông số độc hại trong không khí xung quanh đã quy định đối với 37 thông số, bao gồm nhóm các hợp chất vô cơ có 17 chất (gồm các hợp chất kim loại nặng, hơi axit, hơi kiềm, amiăng, tinh thể SiO2 hô hấp) và nhóm các hợp chất hữu cơ với 12 chất và nhóm các hợp chất gây mùi khó chịu với 8 chất. Trong đó bỏ quy định đối với giá trị giới hạn trung bình năm.
Về phương pháp xác định, có thể áp dụng phương pháp theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định trong Thông tư số 10/2023/TT-BTNMT. Đồng thời, có thể sử dụng kết quả quan trắc từ thiết bị quan trắc tự động, liên tục chất lượng không khí, đáp ứng các yêu cầu về đặc tính kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
Quy định cũng nêu rõ, việc quan trắc định kỳ hoặc tự động, liên tục chất lượng không khí và sử dụng kết quả quan trắc để trực tiếp cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải được thực hiện bởi tổ chức đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về năng lực quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật. Việc quan trắc chất lượng không khí định kỳ cần căn cứ vào mục tiêu quan trắc để lựa chọn các thông số quan trắc phù hợp.
Hải Nam
Bình luận