Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ năm, 01/08/2024 07:08
TMO - Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị tập trung phát triển, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu gỗ, nhất là rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 nêu rõ: Công tác trồng rừng, phát triển lâm nghiệp đặc biệt được chú trọng với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng; ưu tiên, chuyển mạnh sang trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn quốc tế FSC; gắn doanh nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi giá trị. Hàng năm trồng mới rừng tập trung đạt 6.500 - 7.000ha, duy trì độ che phủ rừng ổn định 49,4%. Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung.
Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch phát triển rừng toàn tỉnh gần 277.900ha, từ năm 2014, với sự hỗ trợ từ Tổng cục Lâm nghiệp (nay là Cục Lâm nghiệp), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tỉnh Quảng Trị đã triển khai xây dựng thành công nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Đến nay, diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn và chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt gần 18.050ha.
Tỉnh đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC giữa các chủ rừng với doanh nghiệp có chứng chỉ. Các doanh nghiệp đã ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng gỗ có chứng chỉ của Hội FSC Quảng Trị nói chung và các HTX nói riêng với giá cao hơn giá gỗ không có chứng chỉ từ 10 - 12%. Đến nay toàn tỉnh đã có hơn 26 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.
Việc cấp chứng chỉ rừng đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của rừng, ổn định đầu ra cho các sản phẩm từ rừng, góp phần giải quyết gỗ nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến hàng hóa xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Gỗ được cấp chứng chỉ có thị trường ổn định, giá cả cao, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu và tăng cường tích trữ carbon rừng.
Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với phát triển rừng gỗ lớn như Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 Quyết định số 23/2017/QĐUBND ngày 7/9/2017 của UBND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu chất lượng cao cho các chủ rừng trên địa bàn…
Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp đã phối hợp với các Tổ chức WWF, Tổ chức GFA (là đơn vị được Tổ chức FSC ủy quyền thực hiện việc đánh giá thường niên cấp chứng chỉ rừng FSC) tổ chức đánh giá, cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, tỉnh cũng tập trung khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng chế biến sâu các sản phẩm có nguyên liệu là gỗ rừng trồng trong tỉnh, hạn chế dần việc chế biến thô.
Quảng Trị đang triển khai nhiều giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung.
Ðể bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ người dân sống bằng nghề rừng được hưởng trợ cấp, gồm các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã còn khó khăn và xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các gia đình được hưởng trợ cấp đang thực hiện bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng tự nhiên được giao; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung; trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ với diện tích từ 0,3 ha trở lên; nhận khoán bảo vệ rừng từ 1 ha trở lên trong thời gian chưa thể tự túc được lương thực theo quy định.
Mức trợ cấp bằng gạo hoặc tiền với giá trị tương ứng 15 kg gạo/khẩu/tháng. Thời gian trợ cấp tối đa 9 tháng/năm, mỗi năm trợ cấp tối đa không quá 3 lần, mỗi lần không quá 3 tháng, thời gian trợ cấp không quá 7 năm. Tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng, phát triển rừng bền vững vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ tốt tài nguyên, môi trường...
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, nhờ có vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng dồi dào mà ngành công nghiệp sản xuất gỗ thành phẩm ở Quảng Trị phát triển mạnh với hơn 40 nhà máy chế biến gỗ và gần 200 cơ sở kinh doanh chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ. Ngành công nghiệp này đang tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, cùng hàng chục nghìn lao động gián tiếp và người trồng rừng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5.600 tỷ đồng, tăng bình quân 13%/năm; kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 120 triệu USD, tăng bình quân 8,4%/năm.
Tỉnh xác định mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu và chế biến gỗ từ rừng trồng của khu vực miền trung. Ðể thực hiện mục tiêu này, tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ trên địa bàn 5 huyện gồm: Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh, nhằm hình thành vùng kinh doanh rừng gỗ lớn có năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng, gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng đã xây dựng Ðề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030.
Thời gian tới, địa phương này tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân chuyển đổi từ kinh doanh rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; thực hiện tốt công tác khuyến lâm, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng rừng gỗ lớn; xây dựng mô hình trình diễn về trồng rừng gỗ lớn với cây keo lai mô; chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang thực hiện gỗ lớn; chú trọng công tác giống chất lượng cao, đảm bảo khả năng cung cấp gỗ lớn... góp phần đưa Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung.
Thanh Tuấn
Bình luận