Hotline: 0941068156
Thứ ba, 01/07/2025 20:07
Thứ ba, 01/07/2025 13:07
TMO - Tỉnh Quảng Trị xác định, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về sự minh bạch thông tin đối với sản phẩm, hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản thì truy xuất nguồn gốc được xem là giải pháp quan trọng giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng, đồng thời góp phần ngăn chặn gian lận thương mại.
Việc áp dụng truy xuất nguồn gốc cũng hỗ trợ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi cung ứng. Các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp được trang bị hệ thống truy xuất nguồn gốc có lợi thế cạnh tranh, thu hút thêm nhiều đối tác và khách hàng.
Trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, trên địa bàn tỉnh có 279 cơ sở hoạt động, trong đó 70 cơ sở đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Đáng chú ý, hầu hết các sản phẩm OCOP đều đã được trang bị truy xuất nguồn gốc, khẳng định cam kết về chất lượng và minh bạch thông tin.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm đã thực hiện kiểm tra và truy xuất nguồn gốc 1.368.000 tấn gỗ các loại có nguồn gốc từ rừng trồng, đảm bảo tính hợp pháp và bền vững của nguồn nguyên liệu. Đối với lĩnh vực thủy sản, trong năm 2024, tỉ lệ giám sát sản lượng thủy sản khai thác qua cảng so với sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh khoảng 9.563/27.470 tấn, đạt 34,81 %.
Thời gian qua, địa phương này đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Đến nay toàn tỉnh đã cấp được 1 mã số cơ sở đóng gói và 37 mã số vùng trồng (MSVT) với quy mô gần 2.880 ha, trong đó có 11 MSVT phục vụ xuất khẩu và 26 MSVT nội địa.
(Ảnh minh họa).
Từ năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã triển khai khảo sát hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Kết quả khảo sát giúp định hướng phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp cho các doanh nghiệp và tuyên truyền nâng cao nhận thức về truy xuất nguồn gốc cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành đánh giá thực trạng hoạt động công bố tiêu chuẩn chất lượng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; mã số, mã vạch tại các doanh nghiệp; thiết lập danh sách 39 đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện nhận diện và truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với nhóm tinh bột, cà phê, hồ tiêu, tinh dầu, gạo, cao thực vật, trà thực vật, nước mắm và sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.
Nội dung khảo sát tập trung vào các hoạt động của tổ chức, cá nhân trong chuỗi cung ứng sản phẩm đang áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, số lượng sản phẩm đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, tem QR..., thông tin xuất ra khi quét tem, đơn vị cung ứng... Thông qua khảo sát Sở Khoa học và Công nghệ kết hợp thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, tem QR, mã số, mã vạch và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.
Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị các sở, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quản lý, kết nối vào hệ thống công nghệ thông tin của tỉnh và Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Xây dựng danh mục sản phẩm, hàng hóa chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, sản phẩm OCOP để triển khai truy xuất nguồn gốc gắn theo chuỗi giá trị, đảm bảo phù hợp với đặc thù của tỉnh.
Chuẩn hóa thông tin truy xuất và tiến tới đồng bộ cơ sở dữ liệu, tăng khả năng tương tác, tăng tính minh bạch. Nâng cao năng lực áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các tổ chức hỗ trợ thương mại và doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý. Áp dụng mã hồ sơ để định danh sản phẩm, xây dựng hệ thống định danh hộ/đơn vị sản xuất, áp dụng mã đơn vị hành chính định danh vùng sản xuất gắn liền với xúc tiến thương mại và các dịch vụ hỗ trợ khác.
Hướng tới mục tiêu 100% thực phẩm sản xuất, tiêu thụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng theo quy định, thời gian tới, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được ban hành.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ, hướng dẫn cho các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về nội dung, cách thức cập nhật thông tin truy xuất nguồn gốc đảm bảo đúng quy định, hỗ trợ ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc./.
Thanh Nga
Bình luận